Nhiều người Mỹ nói như vậy. Có người thì nói trắng ra. Có người thì nói một cách kín đáo. Nhưng đều kết luận rằng Mỹ sẽ thua. Vài ví dụ:

Cựu Chủ tịch ngân quỹ dự trữ của nước Mỹ là ông Eclét đã viết: Tổng Giôn đã đưa nhân dân Mỹ đi lạc đường trong vấn đề Việt Nam... Cuộc chiến tranh “leo thang” thì sự phồn vinh của Mỹ sẽ chấm dứt. Nạn lạm phát sẽ trầm trọng thêm. Đồng đôla sẽ mất giá. Thuế khóa sẽ nặng hơn. Ngân sách cho những công việc có ích sẽ bị giảm bớt...

Ông ta viết tiếp: Mỹ ở Việt Nam là kẻ xâm lược. Cả thế giới không ai ủng hộ... Nhân dân Mỹ thì bị lừa bịp, bị nhồi sọ. Những người Mỹ không tán thành chiến tranh đều bị lên án là ủng hộ Việt cộng, là không trung thành với Tổ quốc. Ai tán thành một cách mù quáng chính sách hiếu chiến thì được coi là yêu nước. Trong tình hình đó, Mỹ không thể thắng được...

- Ông Latimo là một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc và châu Á, đã từng giúp việc Tổng thống Rudơven. Năm ngoái, ông đã viết về vấn đề Việt Nam, nội dung tóm tắt như sau:

Những việc đế quốc Mỹ đang làm ở Việt Nam ngày nay giống hệt những việc quân phiệt Nhật đã làm ở Trung Quốc 30 năm trước đây. Và vận mạng chung của họ là thất bại nhục nhã.

Chính sách của Mỹ như bị ma quỷ dẫn đường đi đến diệt vong. Chính phủ Mỹ không hề nói nhân dân miền Nam và miền Bắc Việt Nam là một dân tộc, mà lại cứ la ó rằng Việt cộng là do Hà Nội chỉ huy.

Ngày xưa, ở Mãn Châu, Nhật lập ra một cái chính phủ bù nhìn và nói nó là đại biểu cho “vương đạo”. Ngày nay, ở miền Nam Việt Nam, Mỹ cũng nặn ra một cái chính quyền bù nhìn và nói: Nó là đồng minh của thế giới “tự do”. Trước đây sự áp bức của Nhật đã làm cho các dân tộc Trung Quốc đoàn kết lại. Thì ngày nay, sự áp bức của Mỹ cũng đang làm cho Việt Nam thêm đoàn kết nhất trí. Không thể thống trị Mãn Châu, Nhật đã mở rộng chiến tranh đến Trung Quốc và đã sa vào đường cùng. Ngày nay, ở Việt Nam, Mỹ cũng đang lăn xuống dốc.

Mồ ma tổng Ken cũng nói rằng: “Tung tiền bạc, vũ khí và quân đội vào Đông Dương... là nguy hiểm và vô ích, là một chính sách tự sát. Quân đội Mỹ không thể thắng được lực lượng du kích ở Đông Dương, vì quân du kích được nhân dân ủng hộ và che chở”.

Y nói như vậy, nhưng khi được bầu làm Tổng thống, y vẫn đeo đuổi chính sách chiến tranh của tổng Ai. Tuy vậy, y cũng phải nhận rằng trong cuộc xâm lược Việt Nam, “Mỹ đang chui vào đường hầm không có lối thoát”.

Trước ngày bị ám sát (ngày 22-11-1963), tổng Ken đã cảm thấy Mỹ sẽ thua ở Việt Nam, vì “những thất bại của Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương làm cho Tổng thống tin rằng đến lúc nào đó sự can thiệp của Mỹ sẽ làm cho cả Nam Việt Nam quay lại chống Mỹ”[1].

- Vừa rồi, thượng nghị sĩ Gruninh và bầu bạn của ông đã nói: “Mỹ làm chiến tranh ở Việt Nam là điên rồ. Đó là một cuộc chiến tranh mà Mỹ không thể thắng được”.

Những lời tiên đoán như vậy còn nhiều, không cần kể hết. Rõ ràng đế quốc Mỹ đã đi từ thất bại này đến thất bại khác. Như tướng Pháp Bôphôrê đã nhận định: “Mỹ đã thất bại về chiến lược, vì không thể nào bình định được núi rừng và đồng lầy Việt Nam, dù Mỹ đưa vào đó mấy chục vạn quân đội cũng thế thôi”.

Chỉ có bè lũ Giônxơn là mù quáng điên rồ, cứ nhắm mắt đâm đầu vào cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng ham chiến tranh, chúng sẽ bị chiến tranh chôn vùi.

Toàn dân ta đoàn kết một lòng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chúng ta lại được nhân dân thế giới đồng tình và ủng hộ. Cho nên:

Ta nhất định thắng,

Mỹ nhất định thua!

CHIẾN SĨ

-------------------

- Báo Nhân Dân, số 4319, ngày 1-2-1966, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.36-38.


[1]. Lịch sử của Phủ Tổng thống Mỹ do ông Sơlesinhgơ viết (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.