Mùa thu năm 1959, vệ tinh Xôviết đặt Quốc huy Liên Xô vào mặt trăng (12-9-1959), tiếp đến chụp ảnh phía sau mặt trăng
(4-10-1959). Thành công rực rỡ đó làm cho Mỹ điên cả người!

“Voi đua, chuột cũng đua”, Mỹ dốc hết lực lượng hòng phóng vệ tinh “Rengiơ” lên mặt trăng. Có lẽ chị Hằng gớm ghét bộ mặt đê tiện của đế quốc Mỹ, cho nên không muốn chúng lại gần. Kết quả là cả 5 “Rengiơ” đều thất bại. Chuyến thất bại thứ 5 xảy ra hôm 18-10-1962. Mỗi lần phóng một “Rengiơ” tốn hết 20 triệu đôla. Thế là Mỹ đã tốn hết 100 triệu đôla (hơn 300 triệu đồng bạc ta), để mua lấy cái thất bại đau xót. Báo chí Mỹ (19-10-1962) đã than thở: “Tiếp tục một chuỗi không may của Mỹ trong hy vọng thăm dò mặt trăng... “Rengiơ 5” đã bay trên một con đường dài và vô ích, để rơi vào cõi hư vô... Đồng thời cũng tan vỡ hy vọng cuối cùng của Mỹ khám phá mặt trăng trong năm nay. Mỹ thử bom hạt nhân trên cao, chỉ thành công một lần và đã thất bại năm lần: uy tín của Mỹ đã thất bại về tên lửa...”.

Hãng thông tin Pháp viết: “Kế hoạch “Rengiơ” là một kế hoạch đen đủi nhất của Mỹ, nó đã giáng thêm một vố thất vọng cho Mỹ.

“Họa vô đơn chí”. Hôm 17-10-1962, báo chí Mỹ đã đăng tin: “Ở căn cứ Canavêrôn, một tên lửa vượt đại châu của Mỹ đã nổ tung trên thành phố, gây ra nhiều đám cháy, một tên lửa khác ở gần đó bị thiệt hại nặng, làm 3 người chết và 22 người bị thương. Đây là một thất bại khủng khiếp nhất trong lịch sử của căn cứ Canavêrôn”.

Về kỹ thuật đã thất bại như trên, về kinh tế cũng xúi quẩy nốt. Cuối tháng 9-1962, báo chí Mỹ đăng tin: “Trong hai ngày 22 và 24-9, giá chứng khoán Mỹ sụt mất 4 tỷ đôla. Trong 1.289 loại hàng (của các công ty kếch sù) thì 952 loại sụt giá, vì kinh tế của Mỹ ngày càng đình trệ... Chỉ tiêu sản xuất công nghiệp thấp hơn tháng 7. So với tháng 7 năm ngoái, thì sản xuất thép tháng 7 năm nay sụt đến 18%. Sản lượng xe hơi cũng giảm xuống... Nạn thất nghiệp đã tăng lên...”.

Về ngoại giao, đế quốc Mỹ cũng thất bại thảm hại. Hôm 18-10-1962, ông Ben Benla, Thủ tướng nước Cộng hòa Angiêri đến thăm Mỹ. Với ý định mua chuộc ông Benla, chính phủ Mỹ đã bày trò tiếp đón rất long trọng, và hứa hẹn sẽ “giúp đỡ” Angiêri nhiều đôla. Nhưng ngay hôm sau, Thủ tướng Benla đã sang thăm Cu Ba - kẻ thù của đế quốc Mỹ. Không những thế, Thủ tướng Benla cùng Thủ tướng Ph. Caxtơrô đã ký một bản tuyên bố chung, trong đó có mấy điểm:

- Xóa bỏ không điều kiện chủ nghĩa thực dân mới và sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc.

- Ra sức ủng hộ việc giải trừ quân bị và cấm vũ khí hạt nhân.

- Đòi Mỹ lập tức phải trả lại cho Cu Ba cửa biển quân sự Guantanamô.

- Angiêri kiên quyết ủng hộ Cu Ba bảo vệ nền độc lập của mình, v.v..

Đó là một quả bom chính trị ném vào đầu đế quốc Mỹ. Các báo phản động Mỹ đã không nén được “tam bành” của chúng. Chúng viết: “B. Benla là người gian giảo... Bản tuyên bố chung là một vố nó chứng tỏ Benla đã phụ bạc tình hữu nghị của Mỹ... Chớ giúp Angiêri nữa!...”.

“Chó dại cắn càn”. Những thất bại ấy đã dồn dập dội xuống đầu đế quốc Mỹ trong khoảng một tháng. Phải chăng để hòng bù lại, mà hôm 24-10-1962, Chính phủ Mỹ đã trắng trợn ra lệnh bao vây Cu Ba. Mỹ tự xưng là “văn minh nhất thế giới” mà nay đã làm theo thủ đoạn bọn cướp biển ngày xưa!

Chính phủ Liên Xô đã nghiêm khắc cảnh cáo Mỹ. Nhân dân Cu Ba đã sẵn sàng đập tan mọi âm mưu Mỹ xâm lăng. Phe xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều ủng hộ lời cảnh cáo của Liên Xô và sự tự vệ của Cu Ba anh dũng.

Việt Nam ta với Cu Ba cùng chung một kẻ thù là đế quốc Mỹ. Cho nên nhân dân ta càng nhiệt liệt ủng hộ Cu Ba anh em, và tin chắc rằng nhân dân Cu Ba nhất định sẽ thắng.

T.L.

---------------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3137, ngày 27-10-1962, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.481-483.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.