Trong thời kỳ kháng chiến năm 1946-1954, với kế hoạch Nava, giặc Pháp định "trong 18 tháng sẽ bình định xong" nước Việt Nam. Kết quả giặc Pháp đã thất bại nhục nhã. Cách đây 2 năm, với kế hoạch Xtalây - Taylo, đế quốc Mỹ cũng huênh hoang rằng trong 18 tháng sẽ bình định xong miền Nam Việt Nam. Kế hoạch Mỹ cũng đã căn bản thất bại. Sau đây là ý kiến của những chính khách đầu sỏ và báo chí uy quyền ở Mỹ thú nhận sự thất bại đó.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nói: Chiến tranh ở Nam Việt là một cuộc chiến tranh bẩn thỉu, lôi thôi, khó chịu... Vì du kích là kẻ địch đi không tiếng, đến không tăm (8-7-1962).

Tham mưu trưởng Mỹ là Uylơ nói: Phải chiến tranh mười năm nữa mới có thể thanh toán được Việt cộng (18-4-1963).

Tổng Ken nói: Chiến tranh chống du kích là một việc hết sức khó khăn... Chúng ta đang ở trong một đường hầm, chưa thấy lối thoát... (12-12-1962).

Báo Người Mỹ ở Viễn Đông (1-1963) viết: Cuộc chiến tranh đẫm máu này chưa chắc kết thúc trong một năm, hoặc năm năm, thậm chí mười năm nữa.

Tuần báo Mỹ (20-8-1962) viết: Về mặt chính trị, chiến tranh ở Việt Nam là một sự thất bại.

Hãng thông tin Mỹ UPI (22-12-1962) viết: Cuộc chiến tranh phải kéo dài mấy năm nữa mà kết quả thế nào thì chưa biết... Nhân dân miền Nam chống Mỹ-Diệm, đã dùng những vũ khí Mỹ mà họ cướp được để tăng sức chiến đấu của họ.

UPI (29-7-1963) sau khi nêu những thất bại của Mỹ - Diệm giống hệt với những thất bại của Pháp trước đây đã viết: Đây là một cuộc chiến tranh đáng chán, tàn bạo và sẽ thất bại. Nguồn tiếp tế của Việt cộng là những trang bị Mỹ họ cướp được. Những thất bại của quân đội Mỹ - Diệm thậm chí nặng hơn thất bại của Pháp cách đây 12 năm... Những đơn vị du kích "bị tiêu diệt" hôm trước thì vài hôm sau lại tuôn ra mạnh mẽ cách đó không xa. Những đơn vị "bị bao vây và sắp bị tiêu diệt" thì ban đêm lại chuồn mất và sau đó ít ngày lại xảy ra đánh nhau ở một nơi khác.

Tờ Thời báo Nữu Ước (15-8-1963) phân tích cuộc chiến tranh ở miền Nam, đã nêu mấy điểm sau đây:

"Trong năm qua, tình hình quân sự ở vùng sông Cửu Long đã xấu đi kể từ ngày Mỹ tăng cường lực lượng trước đây 20 tháng... Cách đây một năm, quân du kích chỉ tập hợp những đơn vị nhỏ. Nay họ tập hợp những đơn vị to từ 600 đến 1.000 người... Việt cộng đã cải thiện rõ rệt kho vũ khí của họ với những vũ khí cướp được của Mỹ.

Số tiểu đoàn Việt cộng đã tăng gấp đôi. Trước đây một tiểu đoàn chỉ có 150-200 người nay tăng đến 400 người.

So với sáu tháng đầu năm ngoái thì sáu tháng đầu năm nay, số tổn thất của quân đội Mỹ - Diệm tăng 33%. Số vũ khí mất tăng 30%. Số vũ khí hạng nặng mất tăng 30 đến 80%.

Trong thời gian đó, thì số tổn thất của Việt cộng giảm 30%. Số vũ khí mất giảm 25%. Số vũ khí hạng nặng mất giảm từ 10 đến 15%.

Trong cả năm, mỗi tuần Việt cộng thu được ít nhất cũng đến 50 vũ khí.

Kế hoạch ấp chiến lược nhằm cô lập Việt cộng nhưng nó đang bị họ phá. Một quan chức cao cấp nói: "Việt cộng chống cực kỳ mạnh ấp chiến lược. Phía nam vùng sông Cửu Long, ảnh hưởng của Việt cộng rất lớn. Phía bắc, Việt cộng bắt đầu tăng cường lực lượng của họ. Ví dụ: Ở tỉnh Vĩnh Long, họ đã lập được hơn 30 thôn chiến đấu. Ấp chiến lược không ngăn được sự di chuyển của họ mà còn làm cho cuộc di chuyển của họ ở bên ngoài ấp dễ dàng hơn...".

Hơn 60 nhân sĩ tiến bộ Mỹ, 15.000 đại biểu các tôn giáo ở Mỹ và nhiều đoàn thể nhân dân Mỹ đã lên tiếng đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược dã man ở miền Nam Việt Nam. Dư luận Mỹ như tờ báo Người chiến sĩ (4-3-1963) viết: “Việc tham gia chiến tranh là bôi nhọ danh dự của nước Mỹ, là tội ác của Chính phủ Kennơđi đối với nhân dân Mỹ”. Và tờ báo Nhà nước (19-1-1963) viết: “Nhân dân miền Nam đều chống Diệm... Dù chúng ta (tức là Mỹ) có nhiều kho vũ khí, cũng không thể thắng được”.

Cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân miền Nam là chính nghĩa. Nó được nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới ủng hộ. Vậy có thể đoán chắc rằng: Mỹ-Diệm nhất định sẽ thua, nhân dân miền Nam nhất định sẽ thắng.

CHIẾN SĨ

--------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3453, ngày 11-9-1963, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.171-173.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.