Trong những năm kháng chiến cứu nước, Nam Bộ đã góp một phần rất to lớn và đã thấy trưởng thành những con cháu thật anh hùng, trước mặt trận, ở hậu phương, trong vùng địch. Đây là một chuyện kiểu mẫu (do đồng chí L.T.L.Ư kể lại):

Em Võ Thị Sáu ở Sài Gòn. Cách mạng Tháng Tám thành công, em mới 10 tuổi. Kháng chiến bắt đầu, em tham gia công tác bí mật, 16 tuổi, tham gia đội đột kích, em ném lựu đạn giữa Sài Gòn, làm một sĩ quan địch chết và mấy tên bị thương.

Bị bắt, em bị địch tra tấn dã man: Quay điện, cắt vú, đốt âm hộ... Em không khai một lời. Em Sáu bị án tử hình và bị đày ra Côn Lôn.

Tuy ở trong nhà tù chờ xử tử, em Sáu luôn luôn giữ tính vui vẻ, giúp đỡ những đồng chí yếu, săn sóc những đồng chí ốm.

Ngày 16-3-1952, khi đưa em ra bắn, địch hỏi em muốn nói gì không? Em Sáu trả lời:

“1- Quân Pháp phải rút khỏi Đông Dương.

2- Tôi muốn hát Quốc ca và Lãnh tụ ca.

3- Tôi muốn nói chuyện với đồng bào tôi trước khi tôi chết...”.

Em không chịu để địch bịt mắt và dõng dạc nói: “Ngực tao đây, chúng mày bắn đi”. Rồi em hô to: “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”.

Địch bắn 8 phát súng... một luồng máu đỏ túa tràn một mái tóc xanh... Lúc đó em Sáu mới 17 tuổi.

Máu em Sáu nhuốm lá cờ đã đỏ càng đỏ thêm, đã tưới thêm cho cây tự do khai hoa kết quả. Em Sáu chết, nhưng hành động oanh liệt của em đã kích thích lòng yêu nước của mọi thanh niên Nam Bộ.

Từ Nam đến Bắc, có nhiều sự tích anh hùng như vậy. Mong các nhà văn nghệ ta cố công tìm và ghi chép lấy, để lưu truyền về sau.

C.B.

----------

- Báo Nhân Dân, số 287, ngày 1-12-1954, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.153-154.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.