Mùa xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân.

Tết trồng cây bắt đầu phổ biến từ mùa xuân năm 1960. Vì lợi ích rõ rệt, cho nên nhân dân hăng hái hưởng ứng và ở nhiều nơi đã thành một phong trào quần chúng.

Từ đó đến nay vừa 5 năm, miền Bắc nước ta đã trồng được hơn 375 triệu cây các loại. Ngoài ra còn có hơn 200 triệu cây bảo vệ đê ở vùng biển.

Phong trào Tết trồng cây đã có nhiều nơi gương mẫu như các hợp tác xã: Lạc Trung, Ngọc Long, Vinh Quang, Nà Vó, Lê Hồng Phong, v.v.. Hơn 8.000 hợp tác xã đã kết hợp Tết trồng cây vào kế hoạch sản xuất. Kết quả như thế là khá.

Có những tỉnh tổ chức Tết trồng cây tốt, như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Có những tỉnh cũng khá, nhưng còn chậm, như: Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Bắc.

Có những tỉnh trước kia kém, nay đang chuyển khá, như: Nghệ An, Sơn Tây[1].

Có những tỉnh nay vẫn còn kém. Theo Tổng cục Lâm nghiệp thì những tỉnh đó là Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng (cả Kiến An cũ).

Và còn độ 2 vạn hợp tác xã chưa thật coi trọng Tết trồng cây.

Những nơi khá, nên tiến lên nữa. Những nơi kém, cần phải cố gắng vươn lên.

Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy, thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ một việc đó đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây. Cây ăn quả, cây làm củi, cây công nghiệp cũng là nguồn lợi to lớn. Cũng nên ra sức trồng cây để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống xói mòn. Nơi nào mà các cấp đảng bộ từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng (hạt giống, vườn ương, v.v.), có kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng, khéo dựa vào lực lượng các cụ phụ lão và thanh niên, nhi đồng, thì nơi đó phong trào Tết trồng cây phát triển tốt. Kinh nghiệm đã chứng tỏ điều đó.

Năm nay, chúng ta sẽ kết thúc thành công kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và chúc mừng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 20 năm. Đồng bào ta nên hăng hái tổ chức một phong trào Tết trồng cây thắng lợi (cố nhiên trồng cây nào phải tốt cây ấy) để làm món quà kỷ niệm xứng đáng với hai sự kiện vĩ đại ấy.

T.L.

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3928, ngày 1-1-1965, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.445-446.

[1]. Sơn Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội (BT).

Tin liên quan

Đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng của Người

Đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng của Người

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam được khởi đề từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1911.
Bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên

Bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên

Bồi dưỡng cán bộ là một khâu trong công tác cán bộ được thực hiện thường xuyên, liên tục, tùy theo tính chất công việc hoặc yêu cầu nhiệm vụ của từng lãnh vực công tác, từng giai đoạn cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng". Huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan của nhiệm vụ cách mạng và nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên.
Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.