Mồng 1 tháng 5, ngày vui mừng của người lao động toàn thế giới. Ở khắp các nước, họ kiểm điểm lại lực lượng của mình. Tại các nước đế quốc tư bản, thì họ đoàn kết đấu tranh giành lấy quyền lợi. Ở trong phe xã hội chủ nghĩa, thì họ thi đua xây dựng hạnh phúc tương lai. Chúng ta cần so sánh tình hình kinh tế, để thấy rõ chế độ nào hơn.

Phe đế quốc tư bản

Tình hình u ám tiêu điều,

Càng nhiều mâu thuẫn, càng nhiều chông gai.

Mỹ là tên trùm của phe đế quốc. Tình hình kinh tế Mỹ thế nào?

Bọn tư bản độc quyền dùng chính sách chiến tranh lạnh, buôn bán vũ khí, thu lãi kếch xù. Năm nay tổng ngân sách của nước Mỹ là 77 tỉ đôla.

Gần 41 tỉ chi vào quân sự trong nước.

Hơn 3 tỉ “viện trợ” để vũ trang cho nước ngoài.

Thế là, hơn 60% ngân sách đã dùng để chuẩn bị chiến tranh. Trong lúc đó, kinh tế Mỹ bị khủng hoảng nghiêm trọng, chứng cớ là người thất nghiệp ngày càng thêm nhiều. Thượng tuần tháng 4 vừa qua, hội nghị các công đoàn Mỹ đã thông qua một bản báo cáo: Hiện nay, năm triệu công nhân Mỹ thất nghiệp hoàn toàn, hai triệu người, thì mỗi tuần chỉ mấy giờ có việc. Sự thật thì số người thất nghiệp còn nhiều hơn.

Ông Đugơlát (Douglas) (đại biểu Quốc hội Mỹ) nói: Kinh tế Mỹ tiêu điều đến nỗi nhiều người vì thiếu ăn mà mắc bệnh phù.

Đảng Dân chủ (một đảng của đại tư bản đối lập với Đảng Cộng hòa đang cầm quyền) tuyên bố rằng: Trong số mấy triệu người thất nghiệp, hơn hai triệu thất nghiệp quá lâu, không được nhận phần cứu tế nữa. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm nay, mỗi tháng số thất nghiệp tăng 20 vạn người. Hơn 20 triệu vợ con của công nhân thất nghiệp, đói rách và đau khổ, mất cả phẩm chất con người. 30 triệu gia đình dân nghèo, sống trong những nơi như hang chuột, ốm không có thuốc, đói không đủ ăn. 8 triệu gia đình, mỗi năm thiếu ăn sáu tháng. Số đông trẻ em chui rúc trong những nhà trường chật hẹp, tối tăm...

Theo báo cáo của tướng Renphơrao (Renfrow), thì vì thiếu ăn mà trong số thanh niên đến tuổi tòng quân, 35% (2.200.0000 người) yếu gầy không hợp tiêu chuẩn.

Các báo Mỹ cũng phải nhận rằng: Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chưa bao giờ Mỹ bị khủng hoảng nghiêm trọng như hiện tại.

Cựu tổng thống Mỹ là Tơruman nói: “Phủ Tổng thống thì đạo đức trụy lạc, các chính khách cao cấp thì tham ô. Chính phủ là bất tài, ngoại giao bị phá sản. Chính phủ không có cách gì làm cho kinh tế trở lại thịnh vượng, đảm bảo công ăn việc làm cho nhân dân. Ai muốn gọi đó là khủng hoảng hay là suy đồi, hoặc là gì gì cũng được, nhưng kết quả chỉ là một, tức là giá sinh hoạt càng đắt đỏ, người thất nghiệp càng thêm nhiều, hàng triệu người dân bị phá sản...” (tháng 7-1958).

Kinh tế các nước tư bản khác (Anh, Pháp, Tây Đức...) cũng không tốt đẹp gì hơn. Thí dụ Tây Đức: So với quý I năm ngoái thì quý I năm nay sản xuất gang thép đã sụt 16%, số ngũ kim dùng ở các nhà máy mười phần đã sụt bảy. Hơn 16 triệu rưỡi tấn than đã bị ế đọng không bán đi được, vì vậy phải đóng cửa một số mỏ than.

Còn các nước Á - Phi được Mỹ viện trợ” thì thế nào? Vài ví dụ:

Trung tuần tháng 4, các báo Thái Lan viết: Vì hàng hoá Mỹ tràn ngập thị trường, công thương Thái Lan bị chèn ép, cho nên chỉ hai năm qua đã hơn 260 công ty bị phá sản, và do đó nhiều công nhân đã mất công việc làm ăn.

Thứ trưởng Bộ Kinh tế Thái Lan nói: So với năm 1957, thì năm 1958 số thiếc xuất khẩu đã sụt 43%, giá thiếc mười phần đã sụt mất sáu.

Hai tháng đầu năm nay, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 166.000 tấn gạo, tức là so với hai tháng đầu năm ngoái đã sụt 110.000 tấn. Trong số 3.000 nhà máy xay gạo thì đã bị đóng cửa 1.000 nhà.

Vài con số ấy cũng đủ chứng tỏ rằng: “Viện trợ” của bọn đế quốc Mỹ đang kéo Thái Lan xuống vực sâu.

Bọn đế quốc Mỹ đang biến miền Nam Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới, một căn cứ quân sự để chuẩn bị chiến tranh. Bọn “tổng” Diệm ngoan ngoãn cúi đầu theo lệnh quan thầy, để Mỹ toàn quyền điều khiển tất cả các bộ máy quân sự, chính trị, kinh tế.

Hơn 80% ngân sách và “viện trợ” Mỹ đã dùng vào việc tăng cường quân đội và để chuẩn bị chiến tranh, đàn áp và khủng bố nhân dân. Hàng hóa Mỹ tràn ngập miền Nam, làm cho công nghiệp và thương nghiệp của nhân dân bị phá sản. Các báo miền Nam cũng nhận rằng chỉ ở Sài Gòn đã có 60 - 70 vạn công nhân thất nghiệp.

So với năm 1957 thì năm 1958:

- Diện tích trồng cao su giảm sút 1.200 mẫu tây, giá cao su giảm 70%.

- Xuất khẩu thóc năm 1957 là 180.000 tấn, năm 1958 chỉ được 110.000 tấn.

Trong số 3.648.000 mẫu tây ruộng, bị bỏ hoang hơn một phần tư. Trước kia mỗi mẫu tây sản xuất 1.300 kilô thóc, nay chỉ sản xuất 1.100 kilô.

Những vùng trước kia nổi tiếng là kho thóc miền Nam, như Rạch Giá, Cà Mau... ngày nay cũng bị đói kém. Đã không được an cư lạc nghiệp, mỗi năm người nông dân còn bị Mỹ - Diệm bắt đi học “tố cộng” mất hai tháng, phải bỏ cả công ăn việc làm.

Vì túng thiếu, nông dân phải bán rẻ, mua đắt. Đầu mùa gặt, họ bán một giạ thóc (20 kilô) 30 đồng. Cuối mùa, họ phải mua từ 70 đến 90 đồng một giạ thóc.

Báo Campuchia Hoà bình trung lập (14-4-1959) viết:

"Viện trợ" Mỹ làm cho công nhân, nông dân, tư sản miền Nam đều mang vạ. Ở Trà Vinh có nông dân vì đói đã lấy dây bó lúa thắt cổ ở ngoài đồng... Nhiều công nhân thất nghiệp đã tự sát một cách thê thảm, như anh Nguyễn Văn Tha đã lấy dao mổ bụng, anh Hoàng Văn Đáp đổ dầu tự đốt mình, v.v.. Những nhà tư sản thì như Trần Đình Hoa (thầu khoán) đã lao xe hơi xuống sông tự sát, Nguyễn Văn Ca (chủ xưởng nấu đường) đã tự treo cổ lên xà nhà...

Kinh tế bế tắc, đời sống nghèo nàn. Sợ nhân dân nổi lên chống lại, Mỹ - Diệm bèn mở những cuộc khủng bố đại quy mô. Như từ tháng 2 đến nay, chúng động viên hơn một vạn bộ đội và công an, có đủ máy bay, đại bác. Chúng bao vây, đốt phá, bắt bớ, bắn giết nhân dân Biên Hòa. Chúng hãm hiếp phụ nữ, cướp của giết người dã man tàn bạo, không khác gì thực dân Pháp trong những ngày chiến tranh.

*

*    *

Phe xã hội chủ nghĩa

Ánh dương càng ấm càng nồng,

Gió Tây ắt bị gió Đông thổi lùi.

Liên Xô - Ai cũng biết kế hoạch bảy năm (1959-1965) của Liên Xô là một kế hoạch vĩ đại vô cùng, là một kế hoạch xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Đây tôi chỉ tóm tắt nhắc lại vài con số.

Đến năm 1965 thì:

- Chỉ một vùng Xibêri sẽ sản xuất nhiều điện hơn bất cứ nước tư bản nào ở châu Âu.

- Chỉ một khu Xêliabinxcơ (vùng Uran) sẽ sản xuất nhiều gang thép hơn số gang thép nước Pháp sản xuất hiện nay.

- Chỉ một công ty ở Cadắcxtan sẽ sản xuất nhiều than hơn số than nước Anh sản xuất.

So với năm 1958 thì sản lượng công nghiệp sẽ tăng 80% (khi nói tăng mấy phần trăm, ta cần nhớ rằng: trong năm 1952 thì 1% là năm tỉ rúp, mà năm 1956 là 19 tỉ đồng rúp).

Sản lượng nông nghiệp sẽ tăng 70%.

Thu nhập của Nhà nước tăng 65%.

Thu nhập của công nhân và nông dân bình quân tăng 40%.

Năng suất lao động tăng rất cao. Các thứ hàng hóa đều dư dật. Do đó, sẽ thực hiện khẩu hiệu "làm việc theo khả năng, phân phối theo cần dùng" tức là chủ nghĩa cộng sản.

Có thắng lợi to lớn ấy là vì suốt 40 năm trường, nhân dân lao động Liên Xô, đã bền bỉ thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm.

- Từ năm 1919 bắt đầu chế độ lao động nghĩa vụ vào ngày thứ bảy mỗi tuần.

- Từ năm 1929, bắt đầu phong trào thi đua tăng sản lượng, chất lượng và hạ giá thành (tức là nhiều, nhanh, tốt, rẻ).

Kết quả của việc tăng năng suất và tiết kiệm đã cho phép mở thêm nhà máy và tăng thêm tổng sản lượng:

Trong kế hoạch 5 năm thứ nhất tăng 51%.

Trong kế hoạch 5 năm thứ hai tăng 79%.

Trong kế hoạch 5 năm thứ ba tăng 69%.

Trong kế hoạch 5 năm thứ năm tăng 69%.

(Kế hoạch thứ tư bị gián đoạn vì Chiến tranh thế giới thứ hai).

Bây giờ phong trào thi đua lại lên cao hơn và thêm ba điều kiện là lao động, học tập và sinh hoạt phải đúng đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Hiện nay, đã có hơn 60.000 nhóm lao động gồm hàng triệu người đã được công nhận là "đội lao động cộng sản chủ nghĩa".

Các nhà máy và nông trường đều quyết tâm hoàn thành vượt mức kế hoạch bảy năm trước thời hạn từ một đến ba năm. Quý I năm nay các xí nghiệp đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 5% và tăng hơn quý I năm ngoái 11%.

Báo chí phản động phương Tây cũng phải nhận rằng: Kế hoạch bảy năm sẽ "cải tạo thế giới"; và "những công trình to lớn làm cho người ta nghe mà giật mình đến nỗi khó thở".

Vừa rồi một người đại tư bản và nghị sĩ Mỹ là ông Bentơn (Benton) nói: "Mỹ không nên xem nhẹ sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Liên Xô và Trung Quốc... Liên Xô dự đoán rằng đến năm 1970 họ sẽ vượt quá Mỹ. Đến lúc đó Mỹ sẽ thất bại về tinh thần, chính trị và kinh tế. Đó sẽ là một sự thật rõ ràng...".

Ông Buysơ (Buish) (là người Mỹ đã viết sách để ủng hộ chủ nghĩa tư bản) đã tuyên bố với một giọng lo sợ: "Đà phát triển của Liên Xô gần như là một tai họa cho Mỹ!".

Trung Quốc - Kế hoạch 5 năm thứ nhất (1952-1957) đã hoàn thành vượt mức và trước thời hạn.

Đến 1957, thành phần tổng sản lượng đã thay đổi như sau:

Công thương nghiệp tư bản tư doanh được cải tạo từ 7% giảm còn 0,1%.

Công tư hợp doanh từ 0,7% tăng đến 8%.

Sản lượng công nghiệp tăng 41%.

Về nông nghiệp, 99% nông dân đều vào hợp tác xã. Đã vỡ thêm gần 3 triệu mẫu tây ruộng đất, làm thủy lợi đủ tưới cho hơn 14 triệu rưỡi mẫu tây, trồng cây gây rừng 26 triệu mẫu tây, v.v..

Kế hoạch 5 năm thứ hai bắt đầu từ năm 1958. Năm ngoái là năm "nhảy vọt". So với năm 1957 thì:

Sản lượng công nghiệp (và thủ công nghiệp) tăng 66%.

Sản lượng nông nghiệp tăng 100%, hợp tác xã nông nghiệp đã tiến lên thành công xã nhân dân.

Năng suất lao động (so với 1952) tăng 61%.

So với năm ngoái thì năm nay tổng sản lượng công nghiệp và nông nghiệp sẽ tăng 39%.

Những con số sau đây càng chứng tỏ rõ rệt sự phát triển nhảy vọt của Trung Quốc.

   1957  1958  1959
 Gang thép  5 triệu tấn  11 triệu tấn  18 triệu tấn
 Than  130 triệu tấn  270 triệu tấn  380 triệu tấn
 Lương thực  185 triệu tấn  375 triệu tấn  525 triệu tấn
 Bông  33 triệu gánh  67 triệu gánh  100 triệu gánh

Cách đây 10 năm, tức là trước ngày giải phóng, Trung Quốc còn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Ngày nay, Trung Quốc đã trở nên một nước công nghiệp tiên tiến, đã thành nước thứ ba về sản xuất than (hơn nước Anh) và nước thứ bảy về sản xuất gang thép. Trong số tổng thu nhập, tiền lãi của các xí nghiệp quốc doanh đã chiếm gần 88%, thuế nông nghiệp chỉ chiếm hơn 11%.

Một điều rất quan trọng nữa là trong khi các nước tư bản, nhất là nước Mỹ bị nạn thất nghiệp nghiêm trọng [1] thì đã mấy mươi năm nay Liên Xô không biết nạn thất nghiệp là gì, và ngày nay, 650 triệu người Trung Quốc cũng không còn nạn thất nghiệp nữa.

Triều Tiên

Các nước anh em khác đều tiến bộ nhanh chóng; đây tôi đặc biệt nêu Triều Tiên, vì hoàn cảnh Triều Tiên rất giống hoàn cảnh ta. Trước đây, Triều Tiên bị bọn đế quốc Nhật thống trị. Vừa giải phóng được mấy năm, lại bị quân đội liên hiệp của Mỹ và 16 nước phe Mỹ tấn công. Nhiều nông thôn và thành thị (cả thủ đô Bình Nhưỡng) đã biến thành những đống gạch vụn, tro tàn. Gia đình nào cũng có hy sinh, tang tóc.

Nhờ sự giúp đỡ anh em của Liên Xô, Trung Quốc và các nước khác trong phe xã hội chủ nghĩa, do tinh thần anh dũng phấn đấu của nhân dân, do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Triều Tiên, năm năm sau ngày hoà bình được lập lại, nhân dân Triều Tiên đã hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Kế hoạch ba năm khôi phục kinh tế (1954-1956) đã hoàn thành vượt mức.

Kế hoạch 5 năm (1957-1961) bắt đầu. Do công nhân hăng hái thi đua, sản lượng công nghiệp tăng lên vùn vụt:

So với năm 1956 thì sản lượng năm 1957 tăng 44%.

So với năm 1957 thì sản lượng năm 1958 tăng 35%.

Về nông nghiệp, cuối năm 1958 nông thôn cả nước đã hoàn thành hợp tác xã nông nghiệp cấp cao. Thu nhập của xã viên đều tăng, mức sống của bần nông đã ngang với trung nông thường. Sản lượng thóc năm 1957 là 3.200.000 tấn. Năm 1958 tăng đến 3.700.000 tấn. Trong vài năm sau sẽ tăng đến 7 triệu tấn.

Nguyên là một nước nông nghiệp lạc hậu, mà năm 1958 công nghiệp đã chiếm 65% giá trị tổng sản lượng.

Nhân dân Triều Tiên đã quyết tâm hoàn thành kế hoạch 5 năm trước thời hạn hai năm và 4 tháng. Chắc họ làm được, vì so với quý một năm ngoái thì quý một năm nay sản xuất công nghiệp đã tăng 80%.

Đảng và Chính phủ quyết định: Trong 6 hoặc 7 năm nữa (tức là vào khoảng 1965), Triều Tiên sẽ sản xuất:

   1965  1957 chỉ sản xuất

Sắt

Gang thép

Xi măng

Than

Thóc

Vải

 4 triệu tấn

3 triệu tấn

5 triệu tấn

25 triệu tấn

7 triệu tấn

1 triệu tấn

500 triệu tấn

 330 nghìn tấn

277 nghìn tấn

895 nghìn tấn

5 triệu tấn

3 triệu 20 vạn tấn

564 nghìn tấn

91.500.000 thước

     

Anh em Triều Tiên có quyền tự hào rằng kinh tế của họ phát triển nhanh như “con ngựa ngày phi nghìn dặm”.

Miền Bắc Việt Nam ta

Sau 80 năm bị thực dân Pháp thống trị, sau 15 năm tai họa chiến tranh, lại vì tội ác Mỹ - Diệm mà Tổ quốc ta tạm thời bị chia cắt làm đôi, cho nên hoàn cảnh miền Bắc ta có nhiều khó khăn trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tuy vậy, nhờ sự cố gắng bền bỉ của nhân dân ta, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ ta, nhờ sự giúp đỡ khảng khái của các nước anh em - nhất là Liên Xô và Trung Quốc - chúng ta đã thắng lợi trong kế hoạch khôi phục kinh tế và tiến bước vững chắc trong kế hoạch ba năm phát triển kinh tế và văn hoá.

Từ ngày hoà bình được lập lại, chúng ta đã khôi phục và xây dựng thêm nhiều xí nghiệp:

1955   1956 1957 1958 1959

43 cái 51 cái 74 cái 92 cái 119 cái

Trong thời kỳ đen tối thuộc Pháp, miền Bắc ta bị đói kém thường xuyên. Năm 1944-1945, nạn đói đã làm chết 2 triệu đồng bào ta.

Từ sau cải cách ruộng đất, nông dân đã làm chủ nông thôn, nhờ sự giúp đỡ và khuyến khích của Đảng và Chính phủ, nông dân ta sản xuất lương thực ngày càng tăng: 

1957

Hơn 3 triệu

94 vạn tấn

1958

Hơn 4 triệu

57 vạn tấn

1959

Dự định 6 triệu

20 vạn tấn

Nhờ vậy, chúng ta đã căn bản xoá được nạn đói kém, đời sống nông dân ta đang cải thiện dần. Nhưng so với các nước anh em thì chúng ta còn chậm.

Vậy nhiệm vụ của chúng ta hiện nay là:

- Làm gọn và thật tốt việc cải tiến quản lý xí nghiệp để đẩy mạnh thi đua gia tăng sản xuất và thực hành tiết kiệm, thực hiện khẩu hiệu làm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

- Củng cố thật tốt và phát triển vững chắc tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp để đẩy mạnh nông nghiệp tiến kịp công nghiệp.

Toàn Đảng và toàn dân phải quyết tâm làm tốt hai việc đó để nâng cao thêm mãi đời sống của nhân dân, đẩy mạnh xây dựng ở miền Bắc, để làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thắng lợi thống nhất nước nhà.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp cực kỳ vĩ đại. Chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ đưa lại cho nhân dân ta một đời sống ngày càng vui tươi. Nhưng đó là một nhiệm vụ rất nặng nề. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang ấy, mỗi cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động cần phải:

- Tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng và của nhân dân;

- Gột rửa cho sạch hết chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng tư tưởng xã hội chủ nghĩa;

- Thấm nhuần sâu sắc đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;

- Tác phong phải thật dân chủ, phải tin tưởng sâu sắc và chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng;

- Quyết tâm vượt mọi khó khăn làm tròn nhiệm vụ.

Giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin, đoàn kết chặt chẽ với các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, thì công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc ta nhất định thắng lợi, đấu tranh thống nhất nước nhà nhất định thành công.

Ngày 1 tháng 5 huy hoàng,

Nhân dân lao động kết đoàn muôn năm.

TRẦN LỰC

--------------------------------

- Báo Nhân Dân, số 1873, ngày 1-5-1959, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.188-197.


[1]. Số người thất nghiệp ở Nhật Bản 8 triệu, Mỹ 5 triệu, Ý 2 triệu, Tây Đức 1 triệu rưỡi, miền Nam Việt Nam 70 vạn (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.