Trong cuộc cách mạng chống thực dân Nhật và trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ngày trước, cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay, Triều Tiên anh hùng đã có nhiều người con anh hùng lỗi lạc. Bài này chỉ kể chuyện một vị anh hùng đặc biệt, mà bà con Triều Tiên gọi với cái tên trìu mến là “anh hùng hai lần”. Đó là đồng chí Lý Minh Tích.

Đồng chí Lý đã tham gia kháng chiến chống Mỹ ở mặt trận Đông Cự Xuyên. Đồng chí được chỉ định làm tổ trưởng một tổ tập kích gồm có năm người, với nhiệm vụ phá hoại các vũ khí nặng của địch.

Một hôm, lúc quá nửa đêm, tổ tập kích bò đến sát đội xe tăng Mỹ. Bọn Mỹ chủ quan khinh địch, đứa thì đang hò hát nghêu ngao, đứa thì nằm bên xe mà ngủ... Bỗng có hai tiếng nổ long trời lở đất liên tiếp nhau... hai chiếc xe tăng bị tan xác. Đồng chí Lý liền nhảy lên chiếc thứ ba. Địch vội vàng mở máy cho xe chạy trốn. Nhưng chạy được độ 100 thước thì lại một tiếng nổ dữ dội nữa và chiếc tăng thứ ba tan tành. Trong lúc đó thì đồng chí Lý cũng bị tung lên trời... Hôm sau, người ta thấy đồng chí Lý nằm bên vệ đường, hôn mê bất tỉnh, mình đầy vết thương. Được đưa về nhà thương, và sau mấy tháng cứu chữa vừa khỏi, đồng chí Lý xin trở ra mặt trận.

Lần này đồng chí Lý phụ trách một đội bảy chiến sĩ, với nhiệm vụ phá hủy một lô cốt Mỹ án ngữ trên đỉnh núi 1211, để mở đường cho cuộc tấn công của quân ta. Cả đội chia làm ba mũi nhọn. Đồng chí Lý và hai chiến sĩ phụ trách mũi nhọn chính giữa, đường dốc hơn và nguy hiểm hơn. Suốt đêm, các chiến sĩ lặng lẽ bò lên núi. Tảng sáng thì đến gần lô cốt Mỹ. Địch bắn ra như mưa. Khi còn cách lô cốt 15 thước, hai chiến sĩ đều bị hy sinh. Đồng chí Lý đứng phắt dậy, ném một quả lựu đạn vào lô cốt. Một tiếng nổ vang trời. Giặc không bắn ra nữa. Nhưng khi đồng chí Lý tiến gần lô cốt, giặc lại bắn tới tấp. Đồng chí ném một quả lựu đạn nữa. Một tiếng nổ vang ầm, cái lô cốt như đã nổ tung...

Đồng chí Lý đang vội vàng cắm lá cờ Triều Tiên vào lưỡi lê để báo hiệu cho quân ta, thì bỗng nghe đau như ai chém ngang lưng, rồi ngã xuống mê man bất tỉnh. Một lát sau đồng chí chồm lên. Giặc lại bắn. Đồng chí lại ngã xuống. Một lần nữa, đồng chí đứng lên, dùng hết sức cuối cùng đưa mình nhét vào lỗ châu mai... Khi quân ta đánh chiếm được đỉnh núi 1211 thì thấy đồng chí Lý nằm vắt mình trước họng súng giặc, vết thương đầy mình, như gần tắt thở...

Theo mấy bạn thương binh ở cùng y viện thì khi đưa đến nhà thương, hình như đội trưởng Lý đã tắt hơi, về sau thế nào không rõ...

Cuối năm 1951, Quốc hội nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tặng đồng chí Lý danh hiệu Anh hùng quân đội. Nhưng theo báo cáo từ mặt trận thì đồng chí Lý đã hy sinh rồi, và gia đình đồng chí ấy lưu lạc ở đâu cũng không ai rõ!...

Sau một năm cứu chữa, đồng chí Lý được ra nhà thương. Tìm về đến làng thì:

Hỡi ôi! Buồn hỡi là buồn,

Cửa nhà tan tác, bà con đâu rồi?

Một bạn thương binh bảo đồng chí Lý: “Thôi! Mời anh về Tân Phố ở nhà tôi vậy”.

Thấy đồng chí Lý chưa hoàn toàn mạnh khỏe, Ty Lao động Tân Phố khuyên đồng chí hãy nghỉ ngơi ít lâu. Đồng chí không chịu, và nói: “Nếu vì thương binh mà không làm việc, chỉ ngồi hưởng phụ cấp của Nhà nước, thì tôi không xứng đáng là một người đảng viên”.

Ty Lao động cho đồng chí Lý việc quay chiếu bóng. Công việc này có hai loại: chiếu ở thành phố thì khỏe hơn; đi chiếu ở các nông thôn thì khó nhọc hơn. Đồng chí Lý cố xin làm việc đi chiếu lưu động. Suốt 5 năm, cứ mỗi tháng 25 hôm, không quản nắng mưa, không quản trèo đèo lội suối, đồng chí Lý không nghỉ việc lần nào và không để sót làng xóm nào. Đồng chí nói: “Chiếu bóng là một cách tuyên truyền tư tưởng và chính sách của Đảng. Mỗi đảng viên phải là người tuyên truyền đắc lực để đoàn kết quần chúng ngày càng chặt chẽ xung quanh Đảng”.

Đồng chí Lý rất gương mẫu trong đức tính cần kiệm. Khi ở cơ quan, hễ thấy có việc là đồng chí tự động làm và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ anh em. Suốt 5 năm liền, máy chiếu bóng do đồng chí phụ trách chưa phải sửa chữa lần nào. Vì chân đồng chí có vết thương, đi lại khó, cơ quan định mua cho đồng chí một chiếc xe đạp, đồng chí đã từ chối không nhận...

Cuối năm 1963, Quốc hội nhận được một bức thư của đồng chí bí thư chi bộ ở Linh Vũ, đại ý nói: Ở đây có một người thương binh tên là Lý Minh Tích là một đồng chí rất tốt. Những khi anh em nói chuyện kháng chiến, hỏi lắm thì anh Lý chỉ nói qua rằng anh có tham gia trận đánh lô cốt và trận đánh xe tăng; không nói gì thêm nữa... Phải chăng đây là Anh hùng Lý Minh Thực?

Được thư ấy, Viện Huân chương lại đẩy mạnh việc nghiên cứu thêm các văn kiện về những anh hùng, và đi hỏi những người đã từng chỉ huy mặt trận nói trên...

Một hôm, đồng chí Lý đang chữa máy phát thanh ở câu lạc bộ Tân Phố, thì bỗng nghe ai gọi: “Em Thành, em Thành!” (Thành là tên của đồng chí lúc còn bé). Ngoảnh lại thì thấy người anh ruột của đồng chí. Hai anh em xiết bao tủi tủi mừng mừng. Anh liền dẫn em đến làng Tây Hồ. Vào nhà thì thấy:

Anh em, con cháu đầy nhà,

Xuân già còn khỏe, huyên già còn tươi!

Thế là gia đình Lý đã gặp lại người con yêu quý, và đồng bào Triều Tiên đã tìm thấy người con anh hùng bị mất tích suốt 12 năm qua!

Chắc bà con ta muốn biết vì sao có chuyện lạ lùng như vậy. Vì chữ Triều Tiên, thêm một cái dấu thì là chữ Tích, bớt một cái dấu thì thành chữ Thực. Trong sổ sách của mặt trận đã ghi nhầm chữ Tích ra chữ Thực. Nhưng nguyên nhân chính là vì đồng chí Lý Minh Tích là người rất khiêm tốn, không chút “công thần”, cho những việc mình đã làm đều là phận sự của người cách mạng, không hề khoe khoang. Điều này làm cho đồng chí Lý càng thêm đáng kính, đáng yêu, và mọi người chúng ta nên noi gương đạo đức cách mạng của đồng chí Lý.

CHIẾN SĨ

------------------------

Báo Nhân Dân, số 3735, ngày 21-6-1964, tr.3.


[1]. Trích báo Lao động tân văn (ngày 22-1-1964) của Đảng Lao động Triều Tiên.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.