Chế độ xã hội chủ nghĩa làm cho con người đổi mới. Trong sinh hoạt hằng ngày, có nhiều người rất bình thường đã làm những việc rất tốt đẹp, đáng nêu gương cho mọi người noi theo.

Bác Hồ rất coi trọng những việc đó. Và Bác đã vui lòng gửi huy hiệu tặng những người đã làm những việc tốt.

Tính từ năm 1960 đến nay, đã có hơn 1.500 người được Bác Hồ tặng huy hiệu. Họ là những người, trong công việc bình thường hằng ngày, luôn luôn vì lợi ích chung, đã nêu cao tinh thần tập thể, ra sức giúp đỡ mọi người, không mảy may tính toán riêng tư. Có người là công nhân, nông dân, cán bộ; có người là bộ đội, công an, trí thức. Người miền núi, người miền xuôi, Việt kiều, Hoa kiều đều có. Có những cụ già 70, 80 tuổi, những thanh niên gái và trai, có những em bé mới lên bảy, lên tám. Những việc làm của họ thật đáng khen. Xin nêu vài gương mẫu:

- Cụ Nguyễn Yên, 67 tuổi, ở hợp tác xã Nguyễn Thái (Hải Dương), đã vun trồng ngót 5.000 cây xanh tốt. Anh thanh niên Cao Xuân Nhì, xã Thanh Xuân (Vĩnh Phúc), tuy mù hai mắt, đã kiên quyết vượt khó khăn, đào hơn 1.000 hố và trồng xoan, nhãn hai bên đường làng.

- Có những công nhân như chị Vũ Thị Bích Liên, nhà máy dệt Nam Định, năng suất cao, sáng kiến nhiều, ba năm liền dệt không hỏng một thước vải. Chị Nguyễn Thị Thục, nông trường Vân Lĩnh (Phú Thọ), mỗi ngày hái được 99 kilôgam búp chè. Đồng chí La Bá Siêu, công nhân nhà máy điện Hải Phòng, dùng nguyên liệu cũ sửa chữa các bộ phận máy hỏng, không phải nhập hàng nước ngoài, sáu năm liền được bình bầu chiến sĩ thi đua.

- Những xã viên hết lòng vì hợp tác xã, như chị Bùi Thị Ùn, chủ nhiệm hợp tác xã xóm Khoang, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), chăm lo lãnh đạo sản xuất, làm được nhiều phân, chăn nuôi giỏi, vệ sinh phòng bệnh khá, làm cho hợp tác xã tiến bộ khá về mọi mặt. Cụ Vũ Thị Kế, 70 tuổi, xã Đại Đồng (Hà Tây) nhiều lần nhận trâu gầy về chăn nuôi thành trâu béo khỏe cho hợp tác xã.

- Chị Lê Thị Phan, hợp tác xã Thắng Lợi (Thanh Hóa), bận con mọn, chồng đi công tác xa, mà vẫn đảm đang tốt bảy nhiệm vụ (dạy vỡ lòng, trung đội trưởng dân quân, cán bộ quản trị hợp tác xã, thư ký đội sản xuất, chấp hành phụ nữ huyện, chấp hành phụ nữ xã, cán sự phụ nữ hợp tác xã), hằng năm ngày công lao động vẫn vào loại cao của hợp tác xã.

- Những thầy giáo tận tụy, như đồng chí Trần Đức Thảo, giáo viên Mường Vi (Lào Cai), dạy học tốt. Bốn, năm tháng liền cõng học sinh Lù A Mãn bị bại liệt đi học. Đồng chí Hoàng Văn Mu, dân tộc Nùng ở Pắc Bó (Cao Bằng) 18 năm liền kiên trì dạy học vỡ lõng.

- Những thầy thuốc một lòng vì người bệnh, như đồng chí Nguyễn Đức Vận, y sĩ bệnh viện Hòa Bình, tự mình ôm cháu bé bảy tháng đến bệnh viện cấp cứu, hút rãi ở miệng cháu bé hàng tiếng đồng hồ và cứu cháu thoát chết. Bác sĩ Hải, bệnh viện Bảo Lạc (Cao Bằng), phục vụ không nề hà một việc gì, vừa chữa bệnh, đỡ đẻ, vừa giặt quần áo cho người bệnh, vừa gánh nước, nấu ăn,...

- Những gương chiến đấu dũng cảm, như đồng chí Bí thư chi bộ Nguyễn Ngọc Lễ ở Quảng Bình lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội bắn máy bay Mỹ. Chị Ngô Thị Tuyển, 19 tuổi, dân quân Nam Ngạn (Thanh Hóa), dũng cảm tham gia chiến đấu, tuy người nhỏ bé mà vác mỗi chuyến hơn 90 kilôgam đạn, tiếp tế cho bộ đội bắn máy bay Mỹ. Bà mẹ Suốt (Quảng Bình) gan dạ chở đò dưới làn bom đạn đưa bộ đội qua sông. Đồng chí Đinh Kinh, chiến sĩ anh nuôi đảo Cồn Cỏ, chiến đấu rất dũng cảm, trong khói lửa vẫn bảo đảm cơm dẻo, canh nóng cho đồng đội. Trung sĩ Nguyễn Quốc Cơ, công an vũ trang Quảng Bình, quên mình lao vào bom đạn để bảo vệ dân.

Trong 5 năm qua, đã có 260 em thiếu nhi được Bác Hồ thưởng huy hiệu về thành tích học tập, tham gia sản xuất (như nuôi trâu tốt, làm phân nhiều), thành tích phục vụ chiến đấu và thật thà dũng cảm, như:

- Em Nguyễn Thị Tư (huyện Thụy Anh, Thái Bình) ba năm liền cõng bạn bị bại liệt đi học.

- Em Phạm Quốc Thái, 9 tuổi, (xã Ái Quốc, Hải Dương) 24 lần nhặt được của rơi đem trả lại.

- Em Đặng Văn Kiên, 7 tuổi (xã Sông Lô, Việt Trì) đã dũng cảm và nhanh trí cứu hai bạn nhỏ khỏi chết đuối.

- Em Phạm Thị Tuyết, 13 tuổi (trường Mộc Bắc, Nam Hà) cụt một chân vẫn học tập giỏi, lao động chăm.

- Em Long, 7 tuổi (Nghệ An) đã mưu trí bắt được kẻ gian.

Những người mới, việc mới trên đây ngày càng nhiều và đều là những gương mẫu đạo đức xã hội chủ nghĩa trong chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp của chúng ta.

K.O

-----------------

Báo Nhân Dân, số 4176, ngày 10-9-1965, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.