Bọn Ngô Đình Diệm thông đồng với bọn cố vấn quân sự Mỹ đánh cắp tiền "viện trợ" của Mỹ. Việc tham ô này do các báo Mỹ bới ra, và làm cho dư luận Mỹ xôn xao chê trách Thượng nghị viện Mỹ phải cho người đi điều tra.

Thượng nghị viện Gorơ đi sang các nước Á - Đông thân Mỹ rồi đến miền Nam điều tra. Sau khi trở về Mỹ, hôm 16-12, ông ta nói với các nhà báo:

“Tình hình châu Á đã "ổn định" hơn trước (?). Nhưng sự ổn định ấy đã thực hiện với chế độ độc tài cá nhân… Mỹ đã khuyến khích sự ổn định đó bằng cách rập khuôn mình với những người độc tài… Nhưng tôi lo ngại rằng Mỹ rập khuôn mình với những người độc tài như thế có lợi cho mục đích lâu dài của Mỹ hay không…".

Khi nói câu này, chắc ông Gorơ nhớ lại Mỹ đã hao tốn bao nhiêu tiền bạc và súng ống để giúp tên độc tài Tưởng Giới Thạch. Nhưng kết quả là thày Mỹ và tớ Tưởng đều đã thất bại nhục nhã.

Ông Gorơ nói tiếp: "Khi đến miền Nam, chính tôi cũng đã tìm ra mấy việc không đúng đắn trong các khoản chi tiêu viện trợ Mỹ…".

Vụ tham ô này xấu xa đến nỗi Tổng thống Mỹ không dám đưa bản báo cáo bí mật cho Thượng nghị viện Mỹ xem.

Những tên độc tài được Mỹ ủng hộ mà ông Gorơ nói trên đây tức là Ngô Đình Diệm, Tưởng Giới Thạch, Lý Thừa Vãn.

Trong quyển sách "nước Mỹ hoài nghi" của ông Vớcthơ (một ký giả người Anh nổi tiếng) có một đoạn nói về Lý Thừa Vãn như sau:

Ông Vớcthơ đã nói chuyện với học sinh trường Đại học Côlơmbớt (Mỹ), trong số đó có anh Đơriu, con nhà đại tư bản, bố làm giám đốc một công ty bảo hiểm. Đơriu đã đi lính hai năm ở Triều Tiên, nay học khoa quản lý công nghiệp, anh ta thuộc phái hữu. Người học sinh tư sản này đã nói với ông Vớcthơ "Tất cả binh sĩ Mỹ đã ở Triều Tiên đều cho rằng chính phủ Mỹ ủng hộ chế độ của một tên ăn cắp như Lý Thừa Vãn, đó thật là một việc dễ ghét và nhục nhã".

Thế là bất kỳ ở đâu, Mỹ cũng ủng hộ.

Những tên bán nước buôn dân,

Độc tài phát xít là quân hung tàn.

T.L.

------------------------

Báo Nhân Dân, số 2109, ngày 25-12-1959, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.