Xưa nay, một chiến sĩ “đánh hơn 100 trận” tức là anh hùng lắm rồi. Mà đồng chí Vinh đã đánh 300 trận, thế là 3 lần anh hùng!

Khi còn bé, đồng chí Vinh đi ở chăn trâu. Năm 1945, tham gia cách mạng. Năm 1946, vào bộ đội tham gia kháng chiến. Trận nào ở Bắc Bộ cũng có mặt đồng chí Vinh, và trận nào đồng chí cũng xung phong. Thành tích đầu tiên của đồng chí Vinh là phá được 3 toa xe lửa và tiêu diệt một tiểu đội quân địch. Từ đó, trận nào đồng chí cũng có chiến công. Chiến công to nhất là đã phá hỏng 1 chiếc tàu chiến của địch.

Nước sông mênh mông, chảy xiết. Chiếc tàu địch nằm nghênh ngang như một hòn đảo ở giữa sông. Cách chiếc tàu 2 cây số, có hàng chục canô địch canh gác. Hai bên bờ, có bốt gác, có dây thép gai chi chít, và có mìn chôn khá dầy. Gần sông là ruộng chiêm man mác, nước ngập lênh láng. Không có một bụi tre, một chòm cỏ nào để ẩn nấp. Suốt 3 ngày, đồng chí Vinh chịu đói, chịu rét, lõm bõm dưới nước, để tìm lối đánh vào tàu địch. Đêm thứ 4, đồng chí Vinh, một tay bơi, một tay đẩy chiếc thuyền bé như chiếc lá tre, che kín cẩn thận, trong thuyền có thuốc nổ. Chiếc thuyền lặng lẽ đi qua lưới canô, tiến sát vào hông chiếc tàu địch. Rồi đồng chí Vinh bơi ra xa. Cách tàu vài chục thước, thì nghe một tiếng nổ long trời chuyển đất. Vừa đói, vừa mệt, vừa rét, vừa tức ngực, đồng chí Vinh ngất đi một lúc. Khi tỉnh lại, thì thấy lửa và khói rực trời, chiếu sáng cả khúc sông.

Hai bên bờ sông, giặc hò hét, sục sạo. Đồng chí Vinh lại bơi vài cây số nữa mới lên bờ, tìm về ban chỉ huy để báo cáo, và kết luận: “Khó khăn thật, nguy hiểm thật. Nhưng nghĩ đến Bác, đến Đảng, đến trách nhiệm, thì tôi lại quyết tâm vượt qua được hết”.

C.B.

----------

Báo Nhân Dân, số 62, ngày 19-6-1952, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.