Hiện nay, có mấy nhà máy đang giúp đỡ các hợp tác xã nông nghiệp như:

- Nhà máy dệt Nam Định giúp "lưỡi cày 51", máy tuốt lúa, giúp tiền mua trâu bò,

- Nhà máy điện Hà Nội giúp sửa chữa điện, tìm sắt vụn giúp làm cày, cuốc,

- Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ giúp sửa chữa nông cụ, giúp làm cỏ, v.v..

- Một số nhà máy khác cũng giúp như vậy. Nhà máy giúp nông thôn là một việc rất hay, nó có ý nghĩa lâu dài và to lớn. Lênin dạy chúng ta rằng: "Lập quan hệ giữa nông dân và công nhân, xây dựng một hình thức bầu bạn giúp nhau, giản đơn, dễ làm. Đó là một trong những nhiệm vụ căn bản của giai cấp công nhân đã nắm được chính quyền".

Vì vậy, nhà máy phải giúp đỡ nông thôn. Nhưng phải nắm thật vững mấy điểm sau đây:

- Ý nghĩa chính trị - Mỗi công nhân phải hiểu rằng đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình. Công nhân phải lấy việc giúp đỡ thực tế để đoàn kết nông dân. Công nhân và nông dân đoàn kết càng chặt chẽ, thì liên minh công nông càng vững chắc. Đó là đảm bảo chắc chắn cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi và đấu tranh thống nhất nước nhà thành công.

- Ý nghĩa kinh tế - Việt Nam ta là một nước nông nghiệp. Muốn phát triển kinh tế, nhất định phải lấy nông nghiệp làm nền tảng. Nông nghiệp phát triển tốt mới có thể cung cấp đầy đủ nguyên liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ cho công nghiệp và nâng cao đời sống của nhân dân.

Giúp đỡ thế nào? - Giúp đỡ phải có kế hoạch và có trọng điểm. Nơi nào và mùa nào cần giúp đỡ cái gì và giúp đỡ thế nào. Hiện nay, sức lao động của nông dân ta ít nhất cũng là 50%, 60% bị lãng phí vào việc gánh gồng, cày cấy... Bởi vì nông cụ của ta quá lạc hậu. Cho nên, công nhân giúp đỡ nông dân, trước hết nên giúp việc cải tiến nông cụ.

Cách giúp đỡ - Phải hiểu rằng giúp đỡ nông dân tiến bộ là một nhiệm vụ cách mạng của giai cấp công nhân. Đó không phải là một việc ban ơn. Giúp đỡ phải trường kỳ, liên tục và tiến lên mãi. (Sau này các hợp tác xã nông nghiệp có thể xây những nhà máy nhỏ gia công, những trạm điện nhỏ, v.v..). Không nên "khi vui thì giúp, khi buồn thì thôi".

Có người nghĩ nhầm rằng: Giúp đỡ nông thôn thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của nhà máy. Không đâu. Hàng trăm, hàng nghìn công nhân mỗi người quyết tâm hy sinh một phần nhỏ ngày giờ nghỉ của mình, thì cũng đủ giúp đỡ.

Trong việc giúp đỡ nông dân, công nhân nhà máy là sức chính. Chung quanh sức chính ấy, thì bộ đội, trường học, các ngành tài chính, mậu dịch, văn hóa, y tế, khoa học, kỹ thuật... đều cần phải có kế hoạch thiết thực và ăn khớp với nhau để giúp đỡ cho có kết quả tốt.

Chúng ta nên gây thành một phong trào rộng rãi nhà máy giúp đỡ nông thôn.

Công nhân giúp đỡ nông dân chẳng những có kết quả tốt về mặt vật chất, mà về mặt tinh thần cũng giúp đỡ nông dân nâng cao trình độ chính trị, tăng cường tư tưởng tập thể, tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Về phía nông thôn thì tuyệt đối không nên có tâm lý ỷ lại, cái gì cũng chờ Chính phủ, hoặc các đoàn thể giúp đỡ.

Các hợp tác xã cần phải tự lực cánh sinh là chính, cần kiệm xây dựng hợp tác xã là chính.

T.L.

------------------

- Báo Nhân Dân, số 2312, ngày 18-7-1960, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.630-631.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.