Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, trong 45 thuộc địa châu Phi, 29 nước đã thoát khỏi xiềng xích đế quốc. 18 nước đang đấu tranh giành độc lập, trong đó có Angiêri.

Thực dân Pháp thống trị Angiêri đã ngót 130 năm. Từ cuối năm 1954, Angiêri nổi dậy kháng chiến. Lúc đó, bọn thực dân cho đó chỉ là vài ba nghìn tên "giặc cỏ". Nhưng lực lượng kháng chiến ngày càng mạnh thêm. Pháp phải động viên 80 vạn binh sĩ đi "đánh dẹp" đã hơn 6 năm, mà vẫn thất bại. Chính Đờ Gôn cũng phải nhận rằng: kéo dài chiến tranh thì chỉ "mất toi thời giờ, chết người vô ích".

Thật vậy, cuộc chiến tranh phi nghĩa này đã làm cho nước Pháp điêu đứng: Thanh niên phải đi chết, thuế khóa thêm nặng nề, kinh tế càng suy sụt, danh dự nước Pháp bị lu mờ, nền dân chủ Pháp bị bọn quân phiệt phát xít đe dọa.

Cực chẳng đã, tháng 9-1959, Đờ Gôn buộc phải nêu ra vấn đề: Để cho Angiêri tự quyết. Nhưng "tự quyết" kiểu Đờ Gôn, sự thật là mưu ép Angiêri đầu hàng. Muốn làm ra vẻ công bằng, thực dân Pháp lại bày ra trò hề "trưng cầu dân ý". Dân là ai?

- Dân Pháp chăng? Thì dân Pháp luôn luôn tỏ ý chống chiến tranh ở Angiêri. Một thí dụ: Hôm 27 tháng 10 vừa qua dưới sự hướng dẫn của Đảng Cộng sản và các đoàn thể dân chủ, hàng chục vạn công nhân, nông dân, trí thức Pháp đã bãi công và biểu tình đòi hòa bình với Angiêri.

- Dân Angiêri chăng? Thì họ đã anh dũng kháng chiến hơn 6 năm trường. Và từ hôm 10 tháng 12, lúc Đờ Gôn sang Angiêri để tuyên truyền cho cái gọi là “trưng cầu dân ý”, thì nhân dân ở các thành thị bị chiếm đóng đã rầm rộ bãi công, bãi thị, bãi khóa, biểu tình, với khẩu hiệu “Angiêri độc lập muôn năm!”. Mặc dù chỉ trong 2 hôm đã có hơn 100 người chết, 1.500 bị thương và 3.000 người bị bắt, họ vẫn tiếp tục đấu tranh.

- Nhân dân thế giới chăng? Ở Hội nghị Mátxcơva, 81 đảng cộng sản và đảng công nhân đã tuyên bố kiên quyết đấu tranh để xóa bỏ chế độ thực dân.

Ở Đại hội đồng Liên hợp quốc, 90 nước cũng thông qua nghị quyết như vậy.

46 nước, tức là đại đa số ở Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đề nghị: mở một cuộc trưng cầu dân ý do Liên hợp quốc tổ chức và kiểm soát, chứ không do Pháp tổ chức.

“Trưng cầu dân ý” do thực dân Pháp tổ chức và do quân đội Pháp kiểm soát với lưỡi lê, chỉ là một trò hề bịp bợm.

Muốn chấm dứt chiến tranh thì chỉ có một cách là lập lại hòa bình. Muốn lập lại hòa bình thì chính phủ Pháp phải thật thà đàm phán với chính phủ Angiêri về việc ngừng bắn và đảm bảo quyền tự quyết thật sự cho nhân dân Angiêri.

Ngoài con đường đó, thì thực dân Pháp chỉ một con đường nữa, tức là chuẩn bị tinh thần để đón tiếp một Điên Biên Phủ mới.

Vì chính nghĩa, vì hòa bình thế giới, vì tình nghĩa anh em, nhân dân ta kiên quyết ủng hộ nhân dân Angiêri, và tin chắc rằng thực dân Pháp sẽ thua, nhân dân Angiêri sẽ thắng.

T.L.

---------------

Báo Nhân Dân, số 2476, ngày 29-12-1960, tr.6.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.