Ngày 2-2-1955, Thượng nghị viện Mỹ đã vội vã thông qua Hiệp ước Mani thành lập khối xâm lược Đông Nam Á. Đồng thời đế quốc Mỹ cũng đang thúc bách Anh và các nước tay sai khác thông qua mau chóng Hiệp ước gây chiến ấy. Hành động này của đế quốc Mỹ nhằm hợp pháp hóa Hiệp ước Mani, biến Hiệp ước Mani thành công cụ xâm lược có hiệu lực tạo cho Hội nghị Băng Cốc triệu tập vào ngày 23-2-1955 một cơ sở pháp lý để tăng cường lực lượng quân sự uy hiếp thêm một bước hòa bình, an ninh của các dân tộc châu Á, đặc biệt là uy hiếp hòa bình và các quyền dân tộc của các nước Việt Nam, Cao Miên, Lào.

Ai cũng biết mục đích chủ yếu của đế quốc Mỹ trong việc thành lập khối xâm lược Đông Nam Á là phá hoại hòa bình ở Đông Dương, phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Đế quốc Mỹ đã đưa ra những lý lẽ quanh co để che đậy chính sách xâm lược và can thiệp vào nội trị các nước Đông Dương trong khi chúng đưa thông qua Hiệp ước Mani. Tên Gioócgiơ, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng nghị viện Mỹ bô bô lên rằng: “Miền Nam Việt Nam, Cao Miên và Lào đang lâm vào một nguy cơ nghiêm trọng do sự xâm lược của cộng sản. Các Chính phủ phải cấp tốc thông qua Hiệp ước Mani để tỏ rõ quyết tâm của họ giúp đỡ Chính phủ ở các xứ đó bảo vệ tự do, độc lập”. Luận điệu của Gioócgiơ quả là một luận điệu của kẻ vừa đánh trống, vừa ăn cướp. Luận điệu này của đế quốc Mỹ giống như đúc luận điệu của chúng đối với vấn đề Đài Loan. Về vấn đề Đài Loan, chúng cũng kêu rằng nước Mỹ đang bị uy hiếp!

Sự thật, ở miền Nam Việt Nam cũng như ở Cao Miên và Lào, có nguy cơ đáng lo ngại thật. Kẻ gây nên nguy cơ ấy chính là đế quốc Mỹ. Nhân dân Việt Nam, nhân dân Khơme, nhân dân Lào không hề và không thèm nhờ đế quốc Mỹ “bảo hộ” bỗng dưng đế quốc Mỹ lại tự tiện đặt miền Nam Việt Nam, Cao Miên và Lào vào khu vực “bảo hộ” của khối xâm lược Đông Nam Á. Đế quốc Mỹ ráo riết phá hoại việc phát triển những quan hệ Nam - Bắc của Việt Nam, mưu chia rẽ vĩnh viễn hai vùng. Đế quốc Mỹ ráo riết cản trở việc thực hiện thống nhất tất cả những công dân Khơme và Lào trong khối quốc gia chung ở Cao Miên và Lào. Đó là nguy cơ đáng lo ngại nhất đối với hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ ở ba nước.

Sự thật, ở Việt Nam, Cao Miên và Lào có kẻ xâm lược, kẻ xâm lược ấy đưa tướng tá và vũ khí từ nước Mỹ, một nơi cách xa hàng vạn cây số vào miền Nam Việt Nam, Cao Miên và Lào, hòng mưu biến những nơi này thành căn cứ quân sự Mỹ để mưu thôn tính cả Đông Dương và các nước châu Á. Kẻ xâm lược ấy đang chơi xỏ cả bạn đồng minh của nó là gạt Pháp ra khỏi Đông Dương.

Sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam lại càng táo tợn từ khi tên Côlin sang. Trong dịp Côlin về Mỹ, đế quốc Mỹ đã bày cho hắn một kế hoạch xâm lược gồm bảy điểm. Những điểm chủ yếu là tăng quân đội Bảo Đại từ 10 vạn lên 15 vạn, củng cố thế lực bọn phản động Ngô Đình Diệm, tăng cường khủng bố những người yêu nước, yêu hòa bình, thi hành những sự cải cách giả hiệu để dụ dỗ, mua chuộc, tích cực phá hoại cuộc tổng tuyển cử thực hiện thống nhất Việt Nam, đẩy Pháp khỏi miền Nam...

Đế quốc Mỹ cũng phùng mang, trợn mắt la rằng các nước Đông Nam Á đang lâm vào nguy cơ nghiêm trọng của “cộng sản” để che đậy chính sách xâm lược của chúng ở Đông Nam Á.

Cùng với nhân dân các nước Đông Nam Á, nhân dân Đông Dương quyết không để đế quốc Mỹ phá hoại hòa bình ở Đông Dương và ở Đông Nam Á.

Nhân dân Đông Dương đã thắng kẻ thù trong cuộc kháng chiến vừa qua. Đoàn kết chặt chẽ và được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân châu Á và nhân dân thế giới, nhân dân Đông Dương tin tưởng ở sức mạnh tất thắng của mình trong cuộc đấu tranh củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ, chống chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ và phe lũ.

T.L.

------

- Báo Nhân Dân, số 343, ngày 8-2-1955, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.303-305.


Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.