Thưa các đồng chí,

Chính phủ Nhật Bản hiện nay là một chính phủ phản động, theo đuôi đế quốc Mỹ.

Song nhân dân và dư luận Nhật Bản thì nhiệt liệt ủng hộ cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta.

Tôi xin nêu vài thí dụ:

Tháng 4 năm nay, các công hội thủy thủ ở Tôkyô, Yôcôhama, Côbê, v.v. đã quyết định không chuyên chở những dụng cụ chiến tranh của Mỹ sang miền Nam Việt Nam. Thế là anh em công nhân Nhật Bản đã thực hiện tinh thần quốc tế vô sản cao quý.

Đầu tháng 6 vừa qua, trong cuộc mít tinh do Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội tổ chức, có hơn 7 vạn người tham gia, để chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam và chống Chính phủ Nhật Bản theo đuôi Mỹ. Ở các thành phố khác như Đại Bạn, Kinh Đô, Tiên Đài, v.v. cũng có những cuộc bãi công, bãi khóa, mít tinh từ năm, 6 nghìn đến 2 vạn người tham gia.

Trung tuần tháng 10-1965, ở Tôkyô có hai cuộc mít tinh to. Hơn 5 vạn người đã kéo đi thị uy qua các đường phố lớn. Những khẩu hiệu chính là:

"Đập tan điều ước Nhật Bản - Nam Triều Tiên!".

"Đế quốc Mỹ cút khỏi Việt Nam!"...

Hôm 22-10 vừa qua, hơn 1 triệu 80 vạn công nhân và viên chức Nhật Bản đã bãi công. Khẩu hiệu đấu tranh là:

"Đòi tăng tiền lương".

"Chống điều ước Nhật Bản - Nam Triều Tiên!".

"Chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam!".

Nói tóm lại, trong mỗi cuộc vận động tương đối to, nhân dân Nhật Bản luôn luôn nêu khẩu hiệu ủng hộ ta chống Mỹ xâm lược.

Giới trí thức Nhật Bản cũng nhiệt liệt ủng hộ cuộc kháng chiến của ta. Thí dụ:

- Tháng 8 vừa qua, một số nhân sĩ đã đi mộ quyên ở các đường phố. Họ dùng số tiền đó để thuê một tờ báo Mỹ đăng bức thư của họ đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

- Cũng trong tháng 8, các nhân sĩ ở Tôkyô đã tổ chức một cuộc thảo luận suốt đêm (từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng) về vấn đề Mỹ xâm lược Việt Nam.

Bằng máy vô tuyến truyền hình, hàng triệu gia đình Nhật Bản đã theo dõi cuộc thảo luận ấy. Tham gia thảo luận có hơn 20 người. Gồm đại biểu các chính đảng, các nhà báo, các giáo sư, các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Hơn 600 người đủ các tầng lớp đến dự thính ở hội trường.

Ba nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền đã ra sức biện bạch cho đế quốc Mỹ và vu cáo kháng chiến Việt Nam là "hành động khủng bố". Trong lúc họ nói, quần chúng thường la ó lên. Và những người phát biểu sau đã thẳng tay phê bình họ.

Một vị cựu trung tướng quân đội Nhật Bản nói: Chính quyền bù nhìn do Mỹ nặn ra đã thi hành chính sách tàn bạo. "Việt cộng" nổi lên chống lại là đúng.

Một ký giả nói: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với nông dân. Họ được nông dân hết lòng ủng hộ. Đó là điều quan trọng nhất.

Một giáo sư khoa học đã nghiêm khắc lên án Mỹ dùng bom napan, bom lân tinh và hơi độc để giết hại nhân dân miền Nam.

Một đảng viên Đảng Xã hội nói: Là người châu Á, thì người Nhật Bản phải coi cuộc vận động giải phóng Việt Nam cũng như của bản thân mình. Nhân dân Nhật Bản cũng như nhân dân Việt Nam đều bị đế quốc Mỹ hãm hại.

Một đảng viên Đảng Cộng sản nói: Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, phải để vấn đề Việt Nam do nhân dân Việt Nam tự giải quyết lấy. Chỉ có như thế Việt Nam mới có hòa bình và độc lập thật sự. Nhân dân Nhật Bản cần phải đoàn kết lại, ra sức đấu tranh ngăn chặn Mỹ xâm lược Việt Nam và ra sức ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước.

Một số người dự thính cũng đã phát biểu ý kiến. Trong bốn giờ đồng hồ thảo luận, trừ ba nghị sĩ phản động, còn mọi người đều lên án Mỹ và ủng hộ ta.

Do những hoạt động của giới trí thức mà nhân dân Nhật Bản càng hiểu biết ta, càng ủng hộ ta và càng thấy rõ tội ác của giặc Mỹ xâm lược.

Báo chí là cơ quan của dư luận. Báo chí của Đảng Cộng sản Nhật Bản cố nhiên 100% lên án Mỹ và ủng hộ ta. Đối với tình hình kháng chiến của ta, nhiều báo chí tư sản Nhật Bản như tạp chí Văn nghệ xuân thu, Triều - Nhật chu san, báo hằng ngày Nhật Bản thời báo, Triều - Nhật tân văn, v.v. đều có thái độ đúng đắn.

Tôi xin phép lược dịch vài đoạn khá dài của những báo đó.

Về tình hình miền Nam:

Hồi tháng 7-1965, báo Tin tức hằng ngày đã đăng bài của phóng viên từ miền Nam gửi về, đại ý như sau: Mỹ đã tổ chức một cuộc đi thăm ba ngày ba đêm, từ Quy Nhơn đến Cần Thơ, Long Xuyên, Phú Quốc. Ấn tượng chung là chiến trường Trung Bộ rất khẩn trương. Ở đó tràn ngập một không khí sợ hãi là chẳng biết lúc nào Việt cộng sẽ mở một trận quyết liệt.

vùng tam giác sông Cửu Long mà người ta cho là khá yên ổn, mỗi tháng cũng có 200 đến 250 trận đánh nhanh. Hai tỉnh An Xuyên và Chương Thiện ở gần biên giới Cămpuchia, chính quyền Sài Gòn hoàn toàn không kiểm soát được.

Năm con đường lớn từ Sài Gòn đi khắp miền Nam, đều bị phá hoại. Đường xe hơi ở vùng tam giác dài 1.450 cây số, nhưng xe hơi quân sự chỉ đi được 170 cây số thôi. 3.000 cây số đường sông cũng bị Việt cộng khống chế...

Để chở dầu xăng của họ đến các trạm bán dầu, công ty dầu Mỹ cũng phải nộp thuế cho Việt cộng. Đó là một điều bí mật mà ai cũng biết.

Ở trước mặt trận, thái độ của người Mỹ cũng hỗn loạn một cách kỳ quái.

Sau cuộc đi thăm này, ấn tượng mới là: Mặc dù đưa thêm bao nhiêu binh sĩ và bao nhiêu vũ khí hiện đại, Mỹ cũng không thể thắng được người du kích "đi không tiếng, về không tăm".

*

* *

Báo Triều - Nhật tân văn (7-1965) viết: Từ hồi tháng 5, đường giao thông bị cắt đứt. Giá hàng hóa tăng vọt không ngừng, kinh tế các thành thị bị cô lập như mắc bệnh "bán thân bất toại".

Việc phá hoại đường giao thông vừa làm cho chính quyền miền Nam khốn đốn, vừa giảm bớt sự cơ động của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn, vừa có lợi cho quân du kích hoạt động.

Từ tháng 7, chính quyền Sài Gòn đã quản chế lương thực. Nhưng vì quản chế mà lương thực lại càng thêm khó khăn. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, giá hàng hóa cũng không tăng vọt như ngày nay. Chế độ quản chế gạo rất chệch choạc. Đến ngày bán gạo, dân phải sắp hàng dài dằng dặc, nhiều khi xảy ra chuyện đánh nhau. Hồi tháng 6, ở Nha Trang giá gạo chợ đen mỗi kilô 9 đồng. Nay chỉ cách một tháng đã tăng đến 20 đồng.

Ở Đà Lạt tình hình còn gay go hơn. Giá gạo chợ đen còn đắt hơn các nơi khác, lại thêm gạo xấu, khó ăn. Giá các thứ khác, như đường, muối, v.v. cũng tăng vọt.

Từ người nông dân, đến thầy dạy học, ông cố đạo, v.v. ai cũng kêu khổ, ai cũng lo sợ cho tương lai.

Việt cộng hoạt động cực kỳ khéo, một thí dụ:

Cách Đà Lạt 8 cây số có một làng với độ 300 người dân. Dân làng nói với ký giả: "Quân giải phóng rất tốt".

Đầu tháng này, sau khi đánh nhau với quân Sài Gòn, Quân giải phóng bắt thôn trưởng và mấy người nữa mang đi vào núi. Lúc đầu, gia đình những người này lo sợ và khóc lóc dữ. Sau mười hôm giáo dục, Quân giải phóng thả họ về hết. Từ đó, dân làng đều khen Quân giải phóng tốt.

*

*      *

Dưới đầu đề "Tình hình tuyệt vọng trong rừng sâu", Tạp chí Nhật Bản Thế giới (số tháng 5-1965) viết:

"Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tầm con mắt trông thấy được xa. Người du kích nấp trong rừng chỉ cần bắn một phát là diệt được một lính Mỹ cao to. To cao là mục tiêu rất tốt. Sau đó, xác lính Mỹ được moi hết ruột gan nhét thuốc chống thối vào, bỏ vào áo quan trên phủ một lá cờ Mỹ. Áo quan được đưa sang Philíppin rồi chở về Mỹ.

Binh lính Mỹ ở trong đồn Bến Cát suốt đêm không dám ngủ vì sợ bị đánh úp. Sau mỗi lần ra trận, những tên may được sống sót, trốn trở về đồn, hút một điếu thuốc, rồi thở phào một cái...

Về sự xấu xa của cái chính quyền Sài Gòn, thì người ta thấy quá nhiều rồi...

Từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau suốt ngày đêm không ngớt tiếng súng. Nông dân đã biến thành Việt cộng rồi, quân đội Sài Gòn thì không biết vì ai, vì mục đích gì mà họ phải đánh nhau. Sau một trận bị phục kích, 300, 400 tên chết như châu chấu... Nhiều binh sĩ khi phải ra mặt trận thì vất súng chạy trốn hoặc đi theo Việt cộng. Những binh sĩ đi theo Việt cộng thì chỉ sau một tháng, từ những người nhút nhát họ đã trở nên những chiến sĩ du kích vô cùng anh dũng. Tướng lĩnh và chính khách Sài Gòn thì rặt là bọn hủ hóa, tham ô, ba bè bảy mảng, giành nhau quyền lợi, liều mạng xoay tiền.

Con nhà giàu thì trốn sang Pari, Hương Cảng, Nữu Ước, Tôkyô. Những thanh niên khác thì trốn trên gác nhà để khỏi bị bắt đi lính...

Gần đây, Mỹ đã dùng máy bay B.52 ném bom, đốt sạch, phá sạch. Kết quả là: chỉ làm cho Việt cộng càng nâng cao chí khí chiến đấu, càng quyết tâm kháng chiến đến cùng. Nông dân càng ra sức giúp Việt cộng hoặc biến thành Việt cộng. Cả nước bùng lên như lửa cháy...". Bài báo kết luận: Một dân tộc kiên quyết đấu tranh cho độc lập, xưa nay chưa hề bị đánh thua bao giờ.

Mỹ đã sa vào vũng lầy không đáy ở vùng sông Cửu Long rồi. "Ngoài việc Mỹ phải rút lui, thì không có biện pháp nào khác để giải quyết vấn đề Việt Nam".

*

*      *

Tạp chí Văn nghệ xuân thu (5-1965) đã đăng một bài của ông Xatô Kenriô. Ông này trước đây là Trung tướng, Phó Tham mưu trưởng quân đội Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, đồng thời là người phụ trách quân Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương. Ông Kenriô viết: "Tôi là một tội phạm chiến tranh đã bị kết án vì những tội lỗi tôi đã phạm ở Trung Quốc... Hành động tội ác của Mỹ ở Việt Nam hiện nay giống hệt những tội ác của Nhật Bản ở Trung Quốc ngày xưa... Vì sao Mỹ cứ ngu xuẩn đi theo vết xe xuống hố của Nhật Bản? Đối với cuộc vận động thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, Mỹ nhất định sẽ thua...

Mỹ coi Việt Nam như "Mãn Châu quốc", coi quân đội Mỹ như "Quan Đông quân"..., dùng một lực lượng quân sự thật to có thể tạm thời giành được một thắng lợi trước mắt nhưng không thể thắng được linh hồn của một dân tộc. Đó là kinh nghiệm chua cay mà Nhật Bản đã nếm ở Trung Hoa. Năm 1938, quân Nhật Bản ào ạt chiếm đóng Vũ Hán, Quảng Đông, v.v. tưởng là thắng lợi rồi. Nhưng đã lầm to vì kết quả là Nhật Bản đã sa lầy đến cổ. Hiện nay, Mỹ sa lầy ở Việt Nam còn sâu hơn ngày trước Nhật Bản sa lầy ở Trung Quốc. Và Mỹ càng giãy giụa thì càng lún sâu thêm...

Giônxơn cố sống cố chết tuyên truyền cho cái mà y gọi là "đàm phán không điều kiện". Kỳ thực đàm phán theo quan điểm của Mỹ là buộc Việt Nam đầu hàng... Mỹ đã thất bại, vì vậy họ cố tìm một giải pháp có thể "giữ được thể diện" bằng cách mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Đó là một điều sai lầm to, chắc nó sẽ đẩy Mỹ vào con đường thể diện của địa ngục...".

*
*    *

Tờ Thời báo Nhật Bản (24-4-1965) viết: "Người Nhật Bản coi cuộc xung đột hiện nay ở Nam Việt Nam là một phong trào dân tộc nhất trí chống một chính quyền bù nhìn dựa vào thực lực của nước ngoài. Con đường giải quyết là Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam...

Giônxơn lặp đi lặp lại rằng: "Mỹ không có ý mở rộng chiến tranh". Nhưng y nói chưa dứt lời thì chiến tranh ở Việt Nam đã mở rộng. Cũng như hồi tháng 7-1937, sau sự kiện Lư Cầu Kiều nổ ra, Chính phủ Nhật Bản cũng tuyên truyền rằng "Nhật Bản không có ý mở rộng chiến tranh", nhưng chiến tranh đã lan khắp Trung Quốc...

Vì vậy, dư luận Nhật Bản đòi Mỹ rút ngay khỏi Việt Nam".

*

*     *

Tạp chí Triều - Nhật chu san (3-1965) đã mở một cuộc vận động nhân dân Nhật Bản viết thư cho Tổng thống Mỹ. Chỉ trong vài hôm đã có hơn 1.000 người đủ các tầng lớp gửi thư đến tòa báo. Các bức thư đều oán trách Mỹ xâm lược Việt Nam. Họ nói Mỹ đã lâm vào thế bí, nếu cứ liều mạng đi tới thì sẽ bị cả thế giới phỉ nhổ. Họ đều kết luận rằng Mỹ phải rút đi thôi.

Tóm tắt nội dung của các bức thư đó, Triều - Nhật chu san viết: "Trong các người gửi thư, có những em học sinh lên mười, có những cụ già ngoài tám mươi tuổi...

Một cụ hòa thượng đã dẫn chứng sách Phật, một cô thiếu nữ Công giáo đã dẫn chứng Kinh thánh Giêsu, nhiều bà nội trợ đã dẫn chứng Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ để lên án chính sách xâm lược của Mỹ. Có người đã thề quyết đánh một keo chết sống với Mỹ...

Người ta cho rằng càng xối tên lửa và bom napan xuống Việt Nam, thì Mỹ thất bại càng nặng... Nhiều người đã nhắc lại kinh nghiệm thảm hại của Nhật Bản ở Trung Quốc để răn đe Giônxơn.

Hầu hết các bức thư đều nói rằng bất kỳ thứ vũ khí gì cũng không thể thắng nổi lòng tin tưởng của một dân tộc có quyền tự quyết. Có những em học sinh viết rằng Mỹ đang còn căn cứ quân sự ở Nhật Bản, thì người Nhật Bản không thể làm ngơ trước vấn đề Việt Nam...".

Trong thư trả lời các bạn đọc, Đại sứ Mỹ ở Nhật Bản đã tránh không nói đến ba vấn đề quan trọng là: chiến tranh ở Đông Dương, Hiệp nghị Giơnevơ và Ngô Đình Diệm.

Đối với nhân dân Việt Nam, cuộc chiến tranh chống Pháp ở Đông Dương là một cuộc chiến tranh toàn dân để giành lại độc lập dân tộc. Hồi đó Mỹ đã giúp Pháp hàng tỉ đôla để giết hại nhân dân Việt Nam. Thực dân Pháp đã bị đập tan ở Điện Biên Phủ. Nhưng cũng từ lúc đó Mỹ đã len vào Việt Nam. Cho nên có thể nói rằng cuộc chiến tranh chống Mỹ là tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hiệp nghị Giơnevơ cấm nước ngoài lập căn cứ quân sự ở miền Nam và miền Bắc. Ông Hồ Chí Minh không ký kết hiệp định quân sự với Bắc Kinh hoặc Mạc Tư Khoa. Trái lại, Mỹ đã giúp Ngô Đình Diệm hàng tỉ đôla, đã lập căn cứ quân sự khắp miền Nam, đã can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam.

Cũng như Ngô Đình Diệm, các quan lại và tướng tá của chính quyền Sài Gòn đều đã từng theo Pháp, theo Nhật Bản. Nhân dân không ưa họ, không tin họ. Họ đều tham ô, hủ hóa, bẩn thỉu, bất tài. Ngoài việc xin và xài tiền Mỹ, họ chẳng có tài nghệ gì hết.

Việt cộng thì phân tán trong rừng sâu, trong nhân dân. Mỹ không thể tiêu diệt được cả 14 triệu người miền Nam, thì quyết không đánh bại được Việt cộng...

Đôi khi báo chí Nhật Bản cũng đăng lại những bài báo chí Hoa Kỳ công kích Mỹ xâm lược Việt Nam.

Tạp chí Nhật Bản Thế giới (số tháng 7) đã đăng lại một bài của tạp chí Mỹ Ký giả dưới đầu đề "Tổng Giôn không phải là con chim hòa bình". Xin lược dịch như sau:

Hiện nay, rõ ràng là cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã trở nên cuộc chiến tranh riêng của Tổng Giôn. Ông ta tự vạch ra chiến lược, tự thảo ra những lời thanh minh cho Bộ Ngoại giao. Ngày nào ông ta cũng giải thích chính sách Mỹ ở Việt Nam và tình hình chiến sự cho các nghị sĩ... và các ký giả nghe.

Nhưng nhân dân Mỹ vẫn phê bình quân đội Mỹ dùng hơi độc và ném bom bừa bãi ở Việt Nam.

Một số nghị sĩ, những tờ báo lớn như Thời báo Nữu Ước, báo Hoa Thịnh Đốn cũng đòi Chính phủ phải xét lại chính sách ở Việt Nam.

Cái mà Tổng Giôn gọi là "ý kiến rộng rãi nhất trí" đã tan vỡ hết và biến thành "ý kiến rộng rãi không nhất trí".

Vả lại, cuộc chiến tranh ở Việt Nam tốn tiền rất nhiều. Nếu chiến tranh kéo dài, thì chắc nó sẽ đe dọa đời sống của cái "xã hội vĩ đại" ở Mỹ. Trong luồng không khí ấy, Tổng Giôn ngày càng lo lắng và không yên.

Trước ngày tuyển cử, Giônxơn thề thốt rằng "quyết không mở rộng chiến tranh ở Việt Nam". Nhưng từ ngày được bầu làm Tổng thống, vì sao Tổng Giôn lại "nói lời, rồi lại ăn lời được ngay" và mở rộng chiến tranh? Đó là vì:

- Lòng hư vinh rất to của Tổng Giôn. Muốn có thành công cá nhân, việc gì Giôn cũng dám làm. Giôn tiếp lấy cái gánh nặng chiến tranh ở Việt Nam do hai tổng thống trước để lại, một cái gánh nặng xấu xa đã đi từ thất bại này đến thất bại khác. Thất bại đó làm cho Giôn ngày càng khốn đốn, nóng nảy, không yên.

- Về tính cách cũng như về kinh nghiệm, Giôn là một con diều hâu hiếu chiến. Suốt 24 năm ở Quốc hội, Giôn là kẻ biện hộ cho phái quân phiệt, là hiện thân của các tướng lĩnh.

- Hải, lục, không quân Mỹ đều đua nhau dùng Việt Nam làm nơi thí nghiệm vũ khí mới và chiến thuật mới. Lại có các ngài trong "Ủy ban Hóa học", họ chủ trương dùng chất hóa học để tiến hành cuộc "chiến tranh giết người một cách nhân đạo". Tuy kế hoạch của những phe phái đó đều có mâu thuẫn, nhưng Tổng Giôn đều nghe hết, đều thực hành hết.

- Tổng Giôn nhận rằng: Một mai chính quyền Sài Gòn bị tan rã, một chính phủ hòa bình thành lập ở miền Nam thì các ngài "cố vấn" Mỹ chắc phải cuốn gói chuồn. Đó sẽ là một sự nhơ nhuốc suốt đời cho Giôn.

- Bộ Quốc phòng Mỹ luôn luôn đưa ra những luận điệu như:

"Trung Quốc đe dọa",

"Cắt đứt tiếp tế từ miền Bắc vào, thì dân quân miền Nam lập tức tan rã",

"Trung Quốc quyết không dám tham chiến",

"Đối phó với cộng sản châu Á, chỉ có một cách là đánh cho chúng quỵ đi".

Những luận điệu đó rất hợp với tì vị của Giôn, đã thành định kiến chính trị và hành động mở rộng chiến tranh của Giôn.

Những người Mỹ sáng suốt thì đã nêu ra những lời lẽ chống lại Giôn. Thí dụ: Người viết báo nổi tiếng Lípman đã nhắc đi nhắc lại như dạy bảo một đứa trẻ cứng đầu rằng: vô luận ném bao nhiêu bom, phái bao nhiêu quân, Mỹ cũng không thể giành được hòa bình đúng đắn ở Đông Nam Á.

Lại như người xã hội học nổi tiếng là ông Mônpho đã viết thư cho Giôn rằng: "Nói thẳng cho ông biết là hàng triệu người Mỹ yêu nước đã nghĩ thế nào. Họ nhận rằng đối với đạo nghĩa thì đường lối của ông là một sự nhục nhã không tha thứ được".

Hội Khoa học tự nhiên Mỹ đã kịch liệt phản đối quân đội Hoa Kỳ dùng hơi độc ở Việt Nam.

Hơn 200 giáo sư Trường đại học Misigân đã liên tiếp thảo luận suốt 12 giờ đồng hồ chống chính sách Mỹ ở Việt Nam. Hầu như ngày nào tờ Thời báo Nữu Ước cũng có đăng thư của giới trí thức công khai chống chính sách của Giôn.

Nhưng "nói thẳng, mất lòng". Tổng Giôn chẳng những không lắng nghe những ý kiến đó, mà còn nổi giận lôi đình...

Người lái con thuyền chính trị của Mỹ hiện nay là như vậy đó...

Hồi Tơruman nối nghiệp Rudơven, thì vì cuộc xâm lược Triều Tiên mà danh giá của Đảng Dân chủ đã xuống dốc. Nay Giônxơn nối nghiệp Kennơđi, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã có chiều hướng biến thành một cuộc chiến tranh Triều Tiên khác. Chẳng hay tổng Giôn có "đạp vỏ dưa, thấy vỏ dừa mà sợ" không?...

*
*     *

Thưa các đồng chí,

Tin tức hằng ngày là một trong những tờ báo lớn ở Nhật Bản, có phóng viên khắp năm châu, mỗi ngày ra 5 triệu số. Vì tin tức đúng đắn, cho nên báo này có ảnh hưởng tốt trong nhân dân. Tháng 9 vừa qua, một ký giả báo này là ông Minôrư Ômôri đã được vào thăm miền Bắc và đã viết cho báo một loạt bài. Tôi xin lược dịch mấy đoạn sau đây:

"... Giữa Trung Quốc cộng sản với Việt Nam tình đoàn kết chặt chẽ ngoài sức tưởng tượng. Nếu các chính khách Mỹ có thể đến Trung Quốc mà xem, thì chắc họ sẽ bị chấn động mạnh và họ sẽ xét lại kỹ các vấn đề.

Ở ga xe lửa Trung Quốc có một tấm bảng cao mười mét, rộng một mét, với khẩu hiệu "Kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ".

Khắp nơi ở Trung Quốc đều có tinh thần giúp Việt, chống Mỹ như vậy...

Khác hẳn với Sài Gòn lộn xộn lạo xạo, Hà Nội cực kỳ yên ổn, lặng lẽ, nghiêm trang.

Sài Gòn khắp nơi treo cờ Mỹ. Xe bọc sắt chở đầy lính nghênh ngang chạy ngược chạy xuôi.

Hà Nội có một cảnh tượng khác, rất lạ lùng. Chiều chiều, có những tốp độ mươi lăm người đàn ông và đàn bà một vai mang súng, một vai vác cuốc xẻng, thong dong trở về nhà họ. Đó là những chiến sĩ dân quân. Đó là hình ảnh của "chiến tranh nhân dân"... Khẩu hiệu "Ba sẵn sàng" đầy tinh thần kháng chiến của thanh niên đã thấm nhuần sâu vào các tầng lớp cơ sở.

Trong những vùng ruộng lúa mênh mông bát ngát có các xóm làng. Giữa những đám nhà tranh, nổi lên những nhà máy ngói đỏ xinh đẹp, cây cối xanh tươi bao bọc xung quanh. Đó là một cảnh tượng hòa bình. Bất thình lình, con quái vật chiến tranh lù ra và một tinh thần căm thù sôi nổi... Mỹ ném bom như mưa xuống những làng mạc hòa bình ấy. Đó là một hành động dã man.

Mỹ đã trở nên "thầy giáo phản diện" để kích thích chí khí anh dũng của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh nhân dân...

Gần đây, Mỹ lại dùng một chính sách dụ dỗ. Khi ném bom miền Bắc, họ cũng ném bánh kẹo và đồ chơi của trẻ con. Muốn dùng cách đó để hòng mua chuộc lòng dân, Mỹ thật ngây thơ quá!

Khắp đường phố Hà Nội đều thấy tuyên truyền những người anh hùng và những việc oanh liệt trong cuộc kháng chiến. Khi miền Bắc bị ném bom dữ dội, thì những thanh niên, những dân quân và phụ nữ đều có thể trở nên anh hùng như Phan Đình Giót...

Với sự ủng hộ kiên quyết của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đang tiến hành một cuộc kháng chiến mà thường thức chiến tranh hiện đại không thể tưởng tượng được. Họ tin chắc rằng, với sự ủng hộ của dư luận thế giới, một ngày kia họ sẽ làm cho Mỹ lê lết mà phải bỏ cuộc và Việt Nam sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.

Hà Nội ở trong tình trạng chiến tranh và sẵn sàng chiến đấu. Nhưng ban đêm ngoài phố đèn điện vẫn sáng choang, người ta đi lại đông như trẩy hội.

Ở đồng bằng miền Bắc, lúa xanh mơn mởn như tấm thảm mênh mông. Việc cung cấp lương thực tốt hơn trước. Họ dùng chế độ cung cấp từng đơn vị nhỏ. Quân đội cũng phân tán theo quy mô nhỏ. Vì vậy, Mỹ không thể phá hoại nghiêm trọng như Mỹ tưởng tượng.

Mỹ công khai tuyên bố chỉ ném bom những nơi quân sự. Nhưng kỳ thực họ đã bắn phá cả nhà thương, trường học, đập nước, nông thôn, thậm chí cả những thuyền nhỏ đánh cá ngoài biển.

Từ mồng 7 tháng 2 đến nay (hạ tuần tháng 9), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 600 chiếc máy bay Mỹ. Nhà đương cục Việt Nam không những nghe báo cáo, mà còn điều tra cẩn thận thấy rõ xác máy bay rồi, mới ra thông cáo. Họ làm cho nhân dân tin rằng súng trường cũng bắn được máy bay. Một lý luận chiến tranh nhân dân thật là đáng sợ!

Lúc đầu, họ chở xác máy bay Mỹ về Hà Nội để trưng bày cho nhân dân xem. Về sau, máy bay Mỹ bị bắn rơi ngày càng nhiều, không chở hết được. Họ bèn làm những "mộ máy bay". Chuyện tức cười là máy bay Mỹ lại ném bom những "mộ máy bay" Mỹ.

Những tên phi công Mỹ bị bắt đều mang theo bảy thứ "đồ dùng", trong số đó có kim thuốc độc để tự sát và một lá cờ Mỹ nho nhỏ. Trên lá cờ có những câu bằng chữ Việt và chữ Hoa như sau: "Nhờ ông bà đưa tôi về chỗ quân đội Mỹ. Mỹ sẽ cho ông bà nhiều tiền..."!

Mỹ ra sức ném bom các cầu cống nhằm phá hoại đường giao thông. Nhưng người Việt Nam đã có cách dùng thuyền bè để qua sông, hoặc làm cầu bằng tre, ban đêm thì qua lại, ban ngày thì giấu cầu đi. Thành thử dù có khó khăn, giao thông vẫn tiếp tục như thường.

Ra ngoài Hà Nội vài chục cây số thì đã cảm thấy như đến trước mặt trận. Trong những đám lúa xanh tươi đã thấy lù lù những nòng súng cao xạ.

Khác hẳn với cảnh tượng nông thôn Nhật Bản trong thời kỳ chiến tranh, ở đây, nông dân gái cũng như trai, vai mang súng, tay làm ruộng. Gần hai bên đường, thường có những tốp 20, 30 dân quân tập bắn máy bay bằng súng trường. Một cảnh tượng khiến cho người ta phải kinh ngạc.

Đến thăm một hợp tác xã nông nghiệp, ký giả thấy trong làng có cả súng máy hạng to, dân quân người nào cũng có súng trường. Họ được giáo dục chính trị và huấn luyện quân sự một cách kỹ càng và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Họ có vẻ tự tin và chẳng sợ trời đất gì cả!

Vừa rồi, khi nói về tình hình Bắc Việt Nam, một tờ tạp chí Mỹ đã viết rằng: "Nhân dân Việt Nam đã chán ngấy với chiến tranh". Nói như thế là trái hẳn với sự thật. Mặc dù ở các nước Đông Nam Á mức sống rất thấp, nhưng dân ở đây trước kia sống dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, nay được giải phóng và mức sống được nâng cao dần. Cho nên dù phải hy sinh tính mạng, họ cũng kiên quyết bảo vệ thành quả đó. Đối với họ, Mỹ hay là Pháp cũng chẳng khác gì. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam nhận định rằng: Trước kia họ chống Pháp thế nào thì ngày nay họ cũng chống Mỹ như vậy.

Một điều nữa nổi bật là sức lao động của phụ nữ ở đây thật lạ lùng. Thanh niên có cuộc vận động "Ba sẵn sàng", thì phụ nữ có phong trào "Ba đảm đang". Họ thay thế công việc cho những trai tráng đi vào bộ đội, bất kỳ việc gì nặng nhọc mấy, họ cũng làm được. Có thể nói rằng ở Đông Nam Á, phụ nữ Bắc Việt Nam là người lao động cừ nhất.

Dần dần tôi càng thấy sâu sắc rằng Mỹ chẳng những không thể khuất phục được dân tộc Việt Nam, mà còn thành kẻ làm cho dân tộc Việt Nam thêm đoàn kết. Nếu Mỹ tiếp tục "leo thang" thì càng bị thế giới lên án, chứ quyết không khuất phục được miền Bắc. Ở Hà Nội, người ngoài Đảng cũng như người đảng viên, ai cũng sôi sục tinh thần chống Mỹ.

Về chính trị, quân sự và kinh tế, họ đều có kế hoạch sơ tán. Họ bình tĩnh chờ đợi những việc có thể xảy ra.

Ở các nước ngoài có những người trung gian muốn cho Việt Nam thỏa hiệp. Đó là vì họ không hiểu rõ những nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ càng không hiểu rõ lịch sử đấu tranh cực kỳ gian khổ mà dân tộc Việt Nam đã trải qua để thoát khỏi ách thực dân Pháp, để giành lại thống nhất và độc lập. Nhân dân Việt Nam đã hy sinh nhiều để giữ lấy kết quả thắng lợi đó.

Nay Mỹ liên tiếp ném bom hòng buộc Việt Nam thỏa hiệp. Điều đó chắc không bao giờ thực hiện được.

Tuy Mỹ đưa thêm quân đội để tăng cường Sài Gòn, Đà Nẵng và các thành thị quan trọng khác. Nhưng tại nông thôn, Mặt trận Dân tộc giải phóng vẫn ở địa vị có lợi hơn.

Miền Bắc giữ vững "lập trường bốn điểm" dựa trên nền tảng Hiệp nghị Giơnevơ. Điều đó rất là hợp lý.

Dù Mỹ ném bom bừa bãi cũng không làm lung lay được quyết tâm của người Việt Nam chống Mỹ. Ném bom có ảnh hưởng đến kinh tế, nhưng ảnh hưởng nhỏ thôi. Thí dụ: Tuy Nhà máy điện Thanh Hóa bị bom, nhưng các nhà máy quan trọng khác đã có sẵn máy phát điện riêng để hoạt động. Nhà máy dệt Nam Định bị bắn phá, nhưng máy móc đã sơ tán rồi. Đường xe lửa gần Lào Cai bị bắn phá, nhưng sau bốn giờ đồng hồ, giao thông đã khôi phục. Các xí nghiệp ở Hà Nội đều sơ tán xong xuôi.

Với một tinh thần kiên quyết làm cho người ta phải kinh sợ, một cán bộ cao cấp nói với ký giả: "Dù cho Hà Nội sẽ bị ném bom như Bình Nhưỡng hay là như Hirôsima, chỉ cốt giữ được độc lập, chúng tôi sẽ xây dựng lại".

Ở miền Bắc, vấn đề ăn không gặp khó khăn. Trái hẳn với tình trạng những năm chiến tranh ở Nhật Bản, người ta chỉ ăn đậu và ăn đậu, ăn đậu đến ngấy cả người.

Ở miền Nam có tiếng là kho gạo, mỗi ngày Mỹ lại cung cấp
1 triệu đôla, nhưng vấn đề ăn rất khó khăn. Tôi nhớ lại bộ mặt buồn rầu của một cụ già nông dân từ một ống tre đổ ra từng hạt gạo quý như hạt ngọc kim cương. Tôi thầm nghĩ: Nếu tình hình miền Bắc cũng giống như thế, thì chủ nghĩa cộng sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cộng sản giả. Nhưng bây giờ tôi thấy rõ tình hình miền Bắc khác tình hình miền Nam.

Ở Luân Đôn, có một giáo sư phụ trách nghiên cứu vấn đề Việt Nam đã viết rằng: "Từ ngày được giải phóng, vì chính sách nông nghiệp thất bại, lương thực thiếu hụt, cho nên miền Bắc đã phải cho Việt cộng vào Nam để tìm thóc gạo". Câu nói đó hoàn toàn sai sự thật.

Ở nông thôn miền Bắc không phải vì thiếu lương thực mà người ta ăn thêm khoai, sắn và rau muống... Rau muống là một thứ dễ ăn, dễ trồng, ở các hồ ao nơi nào cũng có. Người Việt Nam có kinh nghiệm và tin tưởng rằng cốt có đủ những thức ăn ấy, thì chiến tranh đến mấy năm cũng chẳng sao. Vì vậy, sau chín năm kháng chiến, họ đã thắng thực dân Pháp. Mỹ lầm tưởng rằng ném bom bừa bãi, làm cho lương thực khó khăn thì khuất phục được Việt Nam. Đó là một sự tính toán ngốc nghếch".

Thưa các đồng chí,

Để kết thúc báo cáo này, tôi xin phép thay mặt đồng bào ta cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân và dư luận nước Nhật Bản đối với cuộc chống Mỹ, cứu nước của chúng ta.

Tôi cũng xin những tờ báo Nhật Bản nói trên nguyên lượng. Vì trong khi lược dịch, tôi giữ đúng tinh thần và nội dung của các bài báo đó, nhưng về câu, về đoạn thì tôi phải rút ngắn rất nhiều.

Nhân dân ta từ Nam đến Bắc đoàn kết một lòng, kiên quyết chống Mỹ, cứu nước. Chúng ta lại được nhân dân và dư luận thế giới - trong đó có nhân dân và dư luận Nhật Bản nhiệt liệt ủng hộ và đồng tình. Giặc Mỹ thì ngày càng sa lầy và càng bị cô lập. Cho nên giặc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân ta nhất định sẽ thắng.

CHIẾN SĨ

-----------------------

- Báo Nhân Dân, số 4241 và 4242, ngày 14 và 15-11-1965, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.643-659.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.