Bọn Mỹ phản động tuyên truyền bậy bạ rằng: Người Việt Nam ghét người Mỹ. Sự thật là: đối với những người Mỹ tốt, thì nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới đều kính trọng. Một chứng thực:

Ngày 26-3-1956, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Trường Đại học và Hội Văn nghệ Việt Nam đã long trọng kỷ niệm sinh nhật của một người Mỹ - là cụ Phơ-răng-cơ-lanh.

Cụ Phơ-răng-cơ-lanh sinh năm 1706, thọ 84 tuổi, là một nhà khoa học nổi tiếng, đã chế tạo ra cột “thu lôi” đầu tiên, giúp cho loài người khỏi nạn sét đánh.

Cụ là một người nồng nàn yêu nước, đã góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng nhân dân Mỹ. Hồi đó, Mỹ là thuộc địa của Anh. Năm 1774, cụ Phơ-răng-cơ-lanh đã cùng cụ Hoa Thịnh Đốn và nhiều vị khác khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân Mỹ chống thực dân Anh. Sau mấy năm kháng chiến gian khổ và oanh liệt, Mỹ mới giành được độc lập.

Cụ Phơ-răng-cơ-lanh lại là một người đạo đức. Cụ thường nói: “Người ta ai cũng phải được bình đẳng”.

Những người Mỹ tốt như cụ Phơ-răng-cơ-lanh, ai mà chẳng kính trọng.

Còn những người Mỹ độc ác như bọn Đa-lét (con cháu bất hiếu của tổ tiên hiền lành như cụ Phơ-răng-cơ-lanh), thì chẳng những người Việt Nam ghét, mà chính nhiều người Mỹ và bạn của Mỹ cũng không ưa. Vài dẫn chứng:

Hôm 27-2-1956, đại biểu Quốc hội Mỹ là Ô. Phun-bơ-ray đã nói thẳng vào mặt Đa-lét: Anh nói dối, “những thắng lợi của Liên Xô thì anh cho là thất bại, những thất bại của phương Tây thì anh cho là thắng lợi”.

Đại biểu Moóc-xơ nói: Đa-lét “giấu diếm những điều mà nhân dân Mỹ có quyền biết. Hàng triệu người Mỹ sẽ chết oan, nếu để cho Đa-lét tấp tểnh sụt chân xuống hố”[1].

Cũng hôm ấy, một tờ báo tư bản Mỹ đã viết: “Đa-lét nói rằng “sự đoàn kết của thế giới “tự do” đã làm cho chính sách của Liên Xô thất bại”. Thật ra không một đại sứ Mỹ nào, không một cán bộ cao cấp nào trong Bộ Ngoại giao Mỹ, không một thủ lĩnh nước bạn nào của Mỹ tin lời nói của Đa-lét”.

Hành động tếu của bọn Đa-lét làm cho những nước thân Mỹ như Phi Luật Tân cũng có nhiều người chống Mỹ. Hôm 26-2-1956, ông Lô-ren, đại biểu Quốc hội Phi Luật Tân, đã nói: “Vì Mỹ mà kinh tế của Phi kiệt quệ. Mỹ coi nhân dân Phi như một đàn tôi tớ, chứ không phải là một dân tộc độc lập”.

Người Mỹ tốt, ai cũng yêu,
Hung hăng như Đa-lét, thì nhiều người khinh.

C.B.

---------

[1] Đa-lét (John Foster Dulles) khoe mõm rằng: Ngoại giao tài tình của y đã ba lần đưa Mỹ đến gần hố chiến tranh, nhưng không rơi xuống hố.

Báo Nhân Dân, số 759, ngày 1-4-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.