Quân đội ta là quân đội của nhân dân, cho nên nhân dân rất thương yêu quân đội. Mà thương yêu là phải, vì:

Trong 8, 9 năm kháng chiến, quân đội ta ăn gió nằm sương, xông pha bom đạn, hy sinh xương máu vì nước, vì dân.

Hòa bình trở lại, quân đội ta giữ gìn trật tự, an ninh, bảo vệ tài sản công cộng và tính mệnh, tài sản của nhân dân, làm cột trụ giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc.

Bởi vì thương yêu quân đội, đồng bào không những ghi tạc những công trạng to lớn của quân đội, mà cũng chú ý đến việc nhỏ ngày thường của quân đội, thí dụ như ở Thủ đô Hà Nội:

- Tiểu đội đồng chí Quế đã cảnh giác, bắt được tên ăn trộm xe đạp, lấy xe trả lại cho người mất cắp.

- Đồng chí Vinh và đồng chí Cẩm nhặt được nhẫn vàng và khuyên vàng, đã tìm hỏi để trả lại cho dân.

- Nhiều tiểu đội đã tổ chức giúp đồng bào làm vệ sinh, dạy hát cho các em nhi đồng và giúp các lớp bình dân học vụ, v.v..

Những việc đó đã làm cho đồng bào càng cảm động và càng kính phục quân đội.

Nhưng có một vài đồng chí chiến sĩ và cán bộ ra đường không được chỉnh tề, cũng làm cho đồng bào chú ý, như: Đội mũ lệch, cúc áo không cài tử tế, cưỡi xe bình bịch lượn chơi phố, đánh “tu lơ khơ” ngoài đường (đồng bào nhầm tưởng là đánh bạc), v.v..

Đồng bào chú ý như thế cũng đúng, vì đồng bào muốn cho quân đội của mình gương mẫu về mọi mặt, không những chiến đấu dũng cảm, mà lại có thái độ nghiêm trang. Vả chăng, ngày nay nhiều nhân sĩ quốc tế qua lại nước ta, điều mà họ để ý nhất và cho họ cái ấn tượng trước hết, là kỷ luật của quân đội ta. Vậy, rất mong các đồng chí chiến sĩ và cán bộ ta hết sức cẩn thận trong mọi cử chỉ, để cho thế giới đều thấy rằng “Quân đội Cụ Hồ có khác!”.

C.B.

----------

- Báo Nhân Dân, số 267, ngày 19-11-1954, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.127-128.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.