Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thành công. Lênin ra sức xây dựng Quốc tế cộng sản. Phong trào công nhân ở Pháp lên cao…

Qua mấy tháng bàn cãi sôi nổi ở các tổ chức, Đảng Xã hội Pháp khai đại hội ở thành phố Tua, vào cuối tháng 12-1920.

Trung ương Đảng cho tôi dự Đại hội, với danh nghĩa là đại biểu Đông Dương. Tôi đã dành dụm chút ít tiền để làm lộ phí. Tôi đã “rẩy” được bọn mật thám và đã đi đến Tua một cách bình an. Sáng hôm sau, tôi đang đi dạo trước hội trường, bỗng có một bọn mật thám Pháp ập lại. Hống hách như bày sói vây được mồi, chúng hỏi tôi: “Anh có giấy tờ không?”. Tôi chưa kịp trả lời, thì một đồng chí vừa chạy lại vừa nói to: “Cái gì đấy? Cái gì đấy?”. Bốn, năm đồng chí nữa cũng chạy tới, dàn thành một cái hàng rào ngăn giữa lũ mật thám và tôi. Lợi dụng lúc đó, tôi rút lui có trật tự vào nhà. Còn lũ mật thám thì cúp đuôi chuồn ra cửa. Trước đó ít lâu, Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp đã mời tôi đến gặp. Y vừa dụ dỗ vừa đe dọa. Nghiến răng, trợn mắt, nắm chặt tay như muốn bẻ gãy cái gì, y nói: “Nước mẹ Pháp sẽ đối với những tên Bônsêvích âm mưu gây rối loạn ở Đông Dương như thế này đây!”.

Chính phủ Pháp phái nhiều mật thám đến Tua rình mò và hòng bắt các đại biểu nước ngoài đến dự Đại hội. Nhưng không bắt được ai. Một hôm, khi đồng chí X. đang báo cáo, bỗng nhiên mọi người đứng dậy vỗ tay như sấm ran, thì ra lão đồng chí Clara Détkin đã bí mật đến. Đồng chí thay mặt Quốc tế cộng sản chúc mừng Đại hội và kêu gọi các đại biểu nhất trí tán thành tham gia Quốc tế thứ 3. Đồng chí Clara nói rất hùng hồn và thắm thiết. Mọi người cảm động và phấn khởi. Đồng chí nói xong thì đèn điện bỗng tắt hết. Khi đèn sáng lại, đồng chí Clara thân yêu đã biến đâu mất rồi!...

Dự Đại hội có 285 đại biểu thay mặt hơn 4.640 tổ chức gồm 18 vạn đảng viên. Không khí ở Đại hội rất khẩn trương vì có ba phái đối lập, lại vì kết quả của Đại hội sẽ quyết định tiền đồ của phong trào cách mạng Pháp.

Phái hữu chủ trương cứ ở lại trong Quốc tế thứ 2, phái giữa chủ trương Quốc tế thứ 2 rưỡi. Đến đây tôi mới hiểu rõ thêm: hai phái này là những chính khách đầu cơ, giả cách mạng, chống cộng sản. Họ nói: “Tham gia Quốc tế cộng sản khác nào tìm cớ cho Chính phủ khủng bố Đảng, chúng tôi sợ lắm”. Về sau, đầu hàng phát xít Đức, và tán thành chiến tranh ở Việt Nam đều có đại biểu của hai phái này.

Phái tả do các đồng chí Casanh, Vayăng Cutuyariê… lãnh đạo, chủ trương tham gia Quốc tế thứ 3.

Số đông đại biểu các địa phương phát biểu ý kiến đều tán thành Quốc tế cộng sản. Đến lượt tôi, tôi kịch liệt tố cáo những tội ác ghê tởm của bọn thực dân Pháp ở nước ta rồi kết luận: “Tôi yêu cầu Đảng phải thiết thực giúp đỡ cách mạng Việt Nam và các thuộc địa, và tôi nhiệt liệt tán thành Quốc tế cộng sản”.

Tiếp theo là cuộc tranh luận sôi nổi. Một bên là lãnh tụ hai phái hữu. Họ nói dai, nói nhiều nhưng chỉ để tỏ ý họ không tán thành cách mạng Nga, họ chống chủ nghĩa cộng sản.

Một bên là các lãnh tụ phe tả. Đồng chí Casanh ca tụng Cách mạng Tháng Mười do Lênin và Đảng Bônsêvích lãnh đạo đã lật đổ đế quốc, tư bản và phong kiến; đã đưa công nông làm chủ nước nhà; đã tuyên bố hòa bình cho toàn thế giới. Hiện nay nước Nga là thành trì cách mạng vững chắc nhất, giai cấp vô sản Pháp phải kiên quyết ủng hộ cách mạng Nga và Đảng Pháp, phải tham gia Quốc tế vô sản. Lời lẽ đầy nhiệt tình cách mạng của đồng chí Casanh được các đại biểu nhiệt liệt hoan nghênh. Đồng chí Vayăng Cutuyariê thì đập tan những luận điệu đê hèn và vu khống của hai phái hữu.

10 giờ tối 29 tháng 12, Đại hội biểu quyết. Kết quả: hơn 3.240 phiếu tán thành tham gia Quốc tế cộng sản, 1.390 phiếu không tán thành. Đảng Cộng sản Pháp tuyên bố thành lập, phong trào cách mạng Pháp bước sang giai đoạn mới, vẻ vang.

*
*    *

Suốt 40 năm nay, Đảng Cộng sản Pháp luôn luôn anh dũng giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin, và luôn luôn hết lòng giúp đỡ phong trào cách mạng ở các thuộc địa, nhất là từ năm 1930 đồng chí Tôrê giữ chức Tổng bí thư. Tôi quen đồng chí Tôrê từ cuộc Đại hội Đảng ở Pari (1922). Từ đó, tình nghĩa đồng chí và anh em giữa hai chúng tôi ngày càng thân mật.

Từ ngày thành lập, Đảng ta luôn luôn được Đảng Cộng sản Pháp hết lòng giúp đỡ. Một thí dụ: Trong những năm ta kháng chiến, Đảng Cộng sản Pháp đã lãnh đạo nhân dân nước mình nhiệt liệt ủng hộ ta. Nhiều nơi, công nhân Pháp đã bãi công, không chịu chuyên chở vũ khí cho quân đội Pháp. Thanh niên Pháp thì hăng hái tuyên truyền đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Như nữ thanh niên Raymông Đien đã liều chết nằm lăn trên đường “ray” để ngăn cản xe lửa chở đạn dược cho quân đội viễn chinh Pháp. Anh thanh niên Hăngri Máctanh vì vận động hải quân Pháp ủng hộ ta mà bị bỏ tù,…

Từ ngày hòa bình trở lại, quan hệ giữa hai Đảng anh em càng thêm gắn bó, như: Đoàn đại biểu do đồng chí Giannét Vécmétsơ lãnh đạo sang thăm nước ta năm 1958. Vừa rồi, Đoàn đại biểu do đồng chí Biu đứng đầu đã tham gia Đại hội lần thứ ba của Đảng ta,…

Dù đế quốc Pháp đã áp bức bóc lột nhân dân ta suốt 80 năm và đã phá phách đất nước ta trong cuộc chiến tranh tàn nhẫn, song nhân dân hai nước Việt - Pháp vẫn giữ vững mối tình thân thiện. Đó là do hai Đảng ta đã luôn luôn giáo dục nhân dân hai nước thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản.

Riêng về cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và của Đảng Cộng sản Pháp mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa. Nhân dịp này, tôi xin thay mặt Đảng ta và nhân dân hoan hô:

Đảng Cộng sản Pháp muôn năm!

Tình hữu nghị giữa hai Đảng ta và nhân dân hai nước ta muôn năm!

Chủ nghĩa Mác - Lênin muôn năm!

Hòa bình thế giới muôn năm!

HỒ CHÍ MINH

-----------------------

Báo Nhân Dân, số 2476, ngày 29-12-1960, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.