Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ mười chiến thắng Điện Biên Phủ, thiên hạ đang dự đoán sẽ có một Điện Biên Phủ mới ở miền Nam Việt Nam. Người Pháp nói nhiều về điều đó, vì họ có nhiều kinh nghiệm! Họ nói: "Mỹ đang thua ở miền Nam Việt Nam và đang đi đến một Điện Biên Phủ" (AFP, 16-4-1964).

Năm 1954, trước ngày quân ta chiến thắng Điện Biên Phủ độ một tháng, bọn đầu sỏ thực dân Pháp vẫn ba hoa rằng "Pháp chắc sẽ thắng". Hiện nay ở miền Nam, bọn Mỹ và tay sai đã sa lầy, nhưng chúng cũng ba hoa rằng chúng sẽ không thua. Kế hoạch 18 tháng của Pháp (Nava) đã thất bại. Kế hoạch 18 tháng của Mỹ (Taylo) cũng phá sản rồi. Khi bắt đầu cuộc kháng chiến, Pháp mạnh, ta yếu. Nhưng ta càng đánh càng mạnh. Kết quả ta đã thắng, Pháp đã thua. Ngày nay ở miền Nam, Mỹ và bọn Việt gian đang ra sức cựa quậy. Nhưng đồng bào miền Nam càng đánh càng thắng và sẽ thắng hoàn toàn. Đó là những kinh nghiệm lịch sử giống nhau.

- Giữa năm 1961, tổng Giôn (hồi đó là Phó Tổng thống Mỹ) đã ca tụng Diệm là "người cha của dân tộc, dũng cảm và tinh anh!". Cuối năm 1963 cũng chính bọn Giôn lại cho Diệm là một tên độc tài thối nát và bất lực, đã cho giết chết Diệm và đưa Dương Văn Minh lên. Mồ Diệm cỏ chưa mọc, thì chúng đã hạ Dương xuống và đưa Khánh thay vào. Chúng lại ca tụng Khánh "một lãnh tụ tài năng lỗi lạc!"...

Mới được Mỹ cất nhắc, bọn Khánh - Hoàn đã cắn xé nhau kịch liệt. Báo chí Mỹ đã nói: "Nội bộ Chính phủ Khánh rất lục đục" (Nữu Ước thời báo, 6-4-1964). Và "sự chia rẽ ngày càng phát triển. Tiếng đồn đảo chính lại ầm ĩ. Tình hình càng lộn xộn và sa lầy" (Nữu Ước luận đàm, 9-4-1964).

Đế quốc Mỹ và lũ bù nhìn đang sa lầy trong hầm tối. Tháng 12-1962, mồ ma tổng Ken đã nói: "Cuộc chiến tranh chống du kích gặp rất nhiều khó khăn. Cần 10 hoặc 11 tên lính chính quy để chống lại một người du kích. Vì vậy Mỹ chưa thấy đoạn cuối cùng của đường hầm".

Đường hầm đó sẽ dẫn chúng đến chỗ diệt vong. Dư luận Mỹ và thế giới đều nói như vậy:

"Thay đổi một chế độ thối nát bằng những tên tướng cướp để chiến tranh. Mỹ nhất định sẽ thất bại" (báo Mỹ Người chiến sĩ, 10-2-1964). Vì "sự tan rã về chính trị và tinh thần đã phát triển một cách thảm hại ở Sài Gòn" (Nữu Ước luận đàm, 6-3-1964).

Các báo tư sản Anh, như tờ Thông tin hằng ngày (4-3-1964) thì viết: "Mỹ đang đứng trước một thất bại rõ ràng và nhục nhã". Các báo tư sản Pháp, như tờ Rạng đông (12-3-1964) cũng viết: "Mỹ đã gần thất bại hơn là người ta tưởng...".

- Để hòng cứu vãn tình hình tuyệt vọng đó, hôm 21-2-1964 tổng Giôn đe dọa "Bắc tiến". Hồi tháng 3, Mặtnạ[1] (Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) sang Sài Gòn hứa "tổng viện trợ" cho bọn Khánh - Hoàn. Bọn này thì hứa với Mỹ "tổng động viên" để đẩy mạnh chiến tranh, đồng thời chúng đi cầu cứu với bọn Phumi ở Lào và bọn Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan! Đến tháng 4, Định - rút[2] (Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ) cũng khẩn khoản yêu cầu bảy nước khác trong "Khối Đông Nam Á" giúp vào cuộc chiến tranh "bẩn thỉu thối tha và tuyệt vọng" ở miền Nam Việt Nam. Nhưng Pháp đã cự tuyệt và Thủ tướng Pháp đã nói: “Không thể nào có thắng lợi quân sự ở miền Nam Việt Nam". Ngoại trưởng Pakixtan thì nói: Chính phủ Đại Hồi không đồng ý với việc "Bắc tiến". Còn năm nước nữa thì chỉ hứa một cách miễn cưỡng.

Sau khi tổng Giôn ba hoa "Bắc tiến", thì Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác đập lại ngay và đòi Mỹ phải rút khỏi miền Nam, việc của miền Nam phải do nhân dân miền Nam tự quyết định lấy.

Nhân dân và Chính phủ ta thì nghiêm khắc cảnh cáo đế quốc Mỹ và bè lũ Khánh - Hoàn rằng: Nếu chúng điên cuồng mà xâm phạm đến miền Bắc thì chúng sẽ bị chôn vùi.

Chợt thấy mình hớ hênh lỡ miệng, hôm 15-3-1964, tổng Giôn đã thề hết thành hoàng thổ công rằng y tuyệt đối không có âm mưu "Bắc tiến".

- Cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ gây ra, chẳng những làm thiệt hại đến đồng bào miền Nam ta, mà cũng làm cho nhân dân Hoa Kỳ chết người hại của. Bởi vậy, không những đồng bào ta mà nhân dân Hoa Kỳ cũng chống đế quốc Mỹ.

Từ tháng 4-1962 hơn 60 vị nhân sĩ Mỹ nổi tiếng do Giáo sư Pôlinh dẫn đầu, đã kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Kế đến 15.000 lãnh tụ các tôn giáo ở Mỹ, nhiều đoàn thể công nhân, phụ nữ và thanh niên Mỹ đã thông qua nghị quyết hoặc tổ chức biểu tình chống chiến tranh.

Tháng 4 vừa rồi, các sinh viên Trường đại học Hêvơpho đã gửi thuốc men ủng hộ Mặt trận Giải phóng miền Nam. Hôm 25-4, 87 sinh viên ở 12 trường đại học Mỹ đã tuyên bố:

"Nếu phải đi lính, họ kiên quyết không sang miền Nam Việt Nam, vì cuộc chiến tranh ở đó là nhằm đàn áp phong trào đấu tranh cho độc lập dân tộc".

Thậm chí trong tầng lớp thống trị Mỹ cũng có người kịch liệt chống chiến tranh ở miền Nam, như các thượng nghị sĩ Moxơ, Gruninh, Gioócđan... Ông Moxơ tuyên bố: "Chiến tranh ở Nam Việt là phi pháp... Chính phủ Mỹ lừa bịp nhân dân rằng chiến tranh đó là vì tự do... Sự thật đó là cuộc chiến tranh của Mỹ tiến hành bởi một chính phủ bù nhìn do Mỹ nặn ra... Đó là một trang lịch sử nhục nhã cho nước Mỹ... Phải chấm dứt việc đẩy thanh niên Mỹ đi chết ở Nam Việt một cách vô lý... và bàn tay của Chính phủ Mỹ đã vấy máu... Nhân dân Mỹ chống cuộc chiến tranh đó. Nếu có cuộc trưng cầu dân ý, thì cứ năm người Mỹ sẽ có bốn người bỏ phiếu chống cuộc chiến tranh đó của Mỹ...".

- Nhân dân miền Nam biết ơn những người Mỹ tiến bộ; đồng thời ra sức giáng vào đầu bọn đế quốc Mỹ và lũ bù nhìn những vố thật đau.

Tờ báo tư sản Tây Đức Nhân dân (27-3-1964) viết: "Mỹ chỉ có một khả năng là ủng hộ một chế độ độc tài quân phiệt... và việc đó chắc chắn sẽ đưa đến một Điện Biên Phủ".

Thật vậy! Lịch sử trong vài mươi năm nay đã chứng tỏ rằng: Lũ đế quốc thực dân dù có binh hùng tướng mạnh đến mấy, chung quy cũng thất bại. Đế quốc Mỹ đã thất bại ở Trung Quốc, ở Triều Tiên, ở Cu Ba, thực dân Pháp đã thất bại ở Việt Nam và ở Angiêri. Ở miền Nam, đế quốc Mỹ nhất định cũng sẽ thất bại. Ông U Than (Tổng Thư ký Hội Liên hợp quốc) nói rất đúng: "Biện pháp quân sự đã không giải quyết được vấn đề Việt Nam hồi năm 1954. Không có lẽ gì biện pháp quân sự lại đưa đến kết quả mười năm sau" (các báo phương Tây ngày 29-4-1964).

Dù cuộc kháng chiến phải lâu dài, gian khổ, song nhân dân miền Nam nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Thắng lợi vì có chính nghĩa. Thắng lợi vì triệu người một lòng, đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Giải phóng miền Nam, kiên quyết chiến đấu vì độc lập tự do, vì thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi vì có các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa ủng hộ và được nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới (kể cả nhân dân Mỹ) đồng tình.

Vì vậy, dù lúc đầu chỉ có những vũ khí thô sơ, đồng bào miền Nam càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng.

Hãy lấy năm 1963 làm ví dụ:

Bắt đầu từ tháng 1-1963, nhân dân miền Nam thắng to ở Ấp Bắc. Rồi liên tiếp thu được nhiều thắng lợi suốt cả năm và kết thúc năm ngoái bằng trận tiêu diệt tiểu đoàn "Cọp đen" (hôm 31- 12-1963). Trong cả năm đó, nhân dân miền Nam:

- Đã tiêu diệt hơn 80.000 binh sĩ địch (trong số đó có độ 1.000 tên Mỹ),

- Đã bắn rơi và bắn hỏng hơn 690 chiếc máy bay (phần nhiều là máy bay lên thẳng),

- Đánh đắm 120 tàu quân sự lớn và nhỏ,

- Phá hủy 32 đầu xe lửa và 343 toa,

- Lấy được của địch hơn 10.000 súng các loại.

Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ, từ nay về sau nhân dân miền Nam chắc sẽ thắng lợi hơn nữa. Muốn tránh một thất bại như ở Điện Biên Phủ và muốn khỏi mất thể diện, thì đế quốc Mỹ chỉ có một cách là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược, rút ngay quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết lấy vấn đề nội bộ của mình và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, Campuchia và Lào.

CHIẾN SĨ

-------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3690, ngày 7-5-1964, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.315-319.


[1]. Mặtnạ: ‎ý chỉ Mc Namara (BT).

[2]. Địnhrút: ‎ý chỉ Đin Raxcơ (BT).

Tin liên quan

Đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng của Người

Đổi mới, sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng của Người

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được nêu trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng Cộng sản Việt Nam được khởi đề từ khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1911.
Bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên

Bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên

Bồi dưỡng cán bộ là một khâu trong công tác cán bộ được thực hiện thường xuyên, liên tục, tùy theo tính chất công việc hoặc yêu cầu nhiệm vụ của từng lãnh vực công tác, từng giai đoạn cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng". Huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khách quan của nhiệm vụ cách mạng và nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên.
Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.