Đi đường, ai cũng muốn mau tới đích. Chúng ta làm cách mạng, cũng muốn mau tới thắng lợi cuối cùng.

Con đường của chúng ta ngày nay ở miền Bắc là: Qua thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội; từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên thành một nước công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Chỉ có đi theo con đường ấy, miền Bắc nước ta mới vĩnh viễn thoát khỏi cảnh nghèo đói lạc hậu và xây dựng cơ sở vững chắc cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Chúng ta đều muốn nước nhà mau thống nhất, chế độ ta mau vững mạnh, nhân dân ta mau no ấm. Cho nên, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, NHANH là một khẩu hiệu hết sức quan trọng.

NHANH không phải là chỉ gắng sức lên từng lúc, từng đợt. NHANH là phải tiến bước không ngừng và bước sau bao giờ cũng phải dài hơn, vững hơn bước trước. Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng.

Chúng ta có thể làm được như thế không? Hoàn toàn được. Vì trên miền Bắc nước ta ngày nay, nhân dân lao động đã thật sự trở thành người chủ. Những khả năng tiềm tàng trong nhân dân là vô tận. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội càng tiến lên, lực lượng của ta càng lớn, kinh nghiệm của ta càng nhiều. Chúng ta chẳng khác gì một người đi đường càng đi càng sung sức. Những người bảo thủ không nhận rõ điều đó, nên nhìn vào việc gì cũng thấy khó khăn. Thật ra, cái làm vướng chân họ nhất lại chính là tư tưởng bảo thủ, rụt rè của họ. Cho nên, muốn tiến nhanh, thì trước hết phải phát quang những dây ràng buộc ấy đi đã.

Muốn tiến bước không ngừng và tiến ngày càng nhanh, càng vững phải có hai điều kiện. Một là, không ngừng cải tiến công tác; hai là, lúc nào cũng phải làm bước trước chuẩn bị bước sau, làm hôm nay chuẩn bị ngày mai. Không làm như vậy, thì chỉ tiến lên được từng đợt ngắn, rồi ngừng lại. Bởi vậy, những người lao động xã hội chủ nghĩa không thể chỉ biết làm việc cần cù, mà còn phải có tinh thần cải tiến công tác không ngừng và chủ động tính trước, lo xa mọi việc. Như vậy mới thật đúng là người làm chủ nước nhà.

C.K.

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 2178, ngày 5-3-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.501-502.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.