NHIỀU, NHANH, TỐT, RẺ, là phương châm chung của chúng ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trước hết phải nói đến NHIỀU. Vì có làm ra nhiều của cải, mới có thể vừa tăng tích luỹ để mở rộng sản xuất, vừa nâng cao mức tiêu dùng của nhân dân lao động.

Muốn làm ra nhiều của cải, phải có hai điều kiện: Một là phải có nhiều người sản xuất. Hai là mỗi người phải sản xuất được nhiều. Hai điều này thật ra không hề tách rời nhau.

Thế nào là "có nhiều người sản xuất"? Hãy nhìn vào hoạt động muôn màu, muôn vẻ của xã hội. Chúng ta thấy có những người trực tiếp làm ra của cải vật chất, như nông dân làm ra thóc gạo, bông, đay..., thợ thuyền làm ra vải, giấy, than, dầu, nhà cửa... Lại có những người không trực tiếp làm ra của cải vật chất, như người buôn bán, viên chức ở bàn giấy, v.v.. Việc này và việc kia đều cần thiết cho xã hội, đều là quang vinh. Nhưng nếu số người làm loại việc này nhiều lên, ắt số người làm loại việc kia phải ít đi. Chúng ta muốn nước nhà giàu mạnh, nhân dân no ấm, nên phải luôn luôn cố gắng sắp xếp để có thật nhiều người trực tiếp sản xuất. Còn số người không trực tiếp sản xuất thì càng ít càng tốt, nhưng phải thông thạo công việc để đủ sức gánh vác nhiệm vụ. Hiện nay, trong guồng máy kinh tế của ta, số người buôn bán còn quá đông. Trong bộ máy của Nhà nước, số người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh có nơi cũng còn quá nhiều. Ví dụ: Đến một vài cơ quan, chúng ta vẫn phải qua quá nhiều "cửa ải": ngoài cổng, một người xem giấy; vào phòng thường trực lại một người ghi tên; ở chân cầu thang, một người ách lại; đến đầu cầu thang, lại một người "hỏi han". Thật là phung phí sức lao động!

Trong những người trực tiếp sản xuất, chúng ta lại thấy có những người làm việc chính và những người làm việc phụ. Ví dụ: Mỗi tổ thợ nề đều có thợ xây và người phụ việc. Nếu khéo sắp xếp để cũng chừng ấy người phụ việc có thể phục vụ cho nhiều thợ xây hơn, thì năng suất chung sẽ cao hơn. Đó cũng là một cách làm cho "có nhiều người sản xuất".

Còn muốn "mỗi người sản xuất được nhiều", thì phải luôn luôn cố gắng cải tiến kỹ thuật và giữ vững kỷ luật lao động.

Chủ động tìm ra và kiên quyết sửa đổi những chỗ không hợp lý trong sản xuất, trong công tác. Dũng cảm san bằng mọi trở ngại của nếp làm việc cũ và của những sự tính toán cá nhân, để tiến lên không ngừng, đạt năng suất ngày càng cao. Đó là biểu hiện cao nhất của ý thức làm chủ xã hội của giai cấp công nhân.

C.K.

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2176, ngày 3-3-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.499-500.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.