Tỉnh có những xí nghiệp tuy mới xây dựng, mà sản xuất tốt và đều.

Trả lời câu hỏi của tôi, các đồng chí tỉnh ủy nói:

“Chúng tôi phải cố gắng học kỹ thuật. Muốn lãnh đạo sản xuất tốt, thì cán bộ Đảng phải biết kỹ thuật. Biết kỹ thuật mới giúp được xí nghiệp một cách thiết thực. Mà như thế, mới là lãnh đạo cụ thể…

Chúng tôi thường đến nhà máy và nông trường, cùng cán bộ và công nhân nói chuyện, tìm hiểu tình hình xí nghiệp, cùng họ nghiên cứu mọi cách nâng cao sản xuất. Khi ai có một sáng kiến gì mới, chúng tôi cùng cán bộ và công nhân khai hội bàn bạc, nghiên cứu, làm thử. Nếu sáng kiến tốt, chúng tôi liền khen thưởng người đã phát minh, và phổ biến ngay cho các nơi khác…

Giúp một xí nghiệp lạc hậu theo cho kịp một xí nghiệp tiên tiến - đó cũng là một công tác quan trọng của Đảng bộ. Đối với một xí nghiệp lạc hậu, chỉ dùng cách phê bình thôi cũng không đủ. Phải giúp họ một cách thiết thực hơn, phải đưa những kinh nghiệm tiên tiến làm ngay ở xí nghiệp đó cho họ xem, cho họ học.

Chúng tôi thường tham gia các cuộc hội nghị ở xí nghiệp giúp anh em mở rộng tự phê bình và phê bình, để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm; cách ấy rất có ích. Có khi chi bộ, công đoàn hoặc giám đốc tự động đến Đảng ủy nhờ giúp đỡ. Việc gì địa phương giải quyết được thì chúng tôi giải quyết ngay. Việc gì phải đưa lên cấp trên, thì chúng tôi yêu cầu cấp trên giải quyết nhanh cho họ, không để họ phải chờ lâu.

Cũng nhiều khi công nhân, đảng viên hoặc cán bộ đến tìm chúng tôi nói chuyện về sản xuất, hoặc nhờ giải quyết vấn đề cá nhân. Chúng tôi đều lắng nghe họ và giúp đỡ họ giải quyết…”.

Do cán bộ Đảng học tập kỹ thuật, gần gũi quần chúng, lãnh đạo thiết thực, cho nên công xưởng và nông trường ở tỉnh A đều sản xuất vượt mức kế hoạch đã định. Đó là một cách lãnh đạo gương mẫu mà các Đảng ủy nơi khác cần phải noi theo.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 890, ngày 11-8-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.