NHỮNG CHI BỘ TỐT

Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy. Thí dụ: Nấu rượu lậu là một tệ nạn do xã hội cũ để lại; nó gây ra nhiều tai hại. Có người tưởng lầm rằng rất khó mà tiêu diệt nó. Sự thật thì nhiều nơi do chi bộ tốt mà đã tiêu diệt hoàn toàn nạn nấu rượu lậu.

Vài thí dụ:

Xã Cần Lộc (Thanh Hóa) có 840 hộ, thì trước kia hơn 400 hộ nấu rượu lậu. Nhưng nay thì cả xã xóa bỏ hẳn cái "nghề" phạm pháp ấy.

Ở Làng Lã (Hà Bắc), nạn nấu rượu lậu có đã lâu đời. Cộng với tệ làm bún bánh bừa bãi, mỗi tháng lãng phí gần 30 tấn gạo! (Trích báo Tiền phong, 27-10-1963).

Do chi bộ và chi đoàn một mặt bền bỉ tuyên truyền và giáo dục từng người, từng nhà; mặt khác tổ chức cho mọi người công ăn việc làm bằng cách xây dựng những nghề phụ mới và những đội vỡ đất hoang (Làng Lã ruộng ít, người nhiều, bình quân mỗi người chỉ được 1 sào 7 thước). Trong 50 người đi vỡ hoang đợt đầu thì có 40 đoàn viên và thanh niên xung phong đi trước. Chi bộ đã giúp hợp tác xã nông nghiệp chỉnh đốn lại tốt hơn. Trước kia ruộng chỉ cấy một vụ, mỗi mẫu Bắc Bộ chỉ thu được 362 cân. Nay nhiều ruộng đã cấy hai, ba vụ, năng suất đạt 564 cân. Trước kia, vì rượu chè lu bù mà đời sống bấp bênh, trong làng xóm và trong gia đình thường có chuyện bất hòa. Nay bỏ được nạn nấu rượu lậu, thì bà con đoàn kết thuận hòa, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Năm 1962, bình quân mỗi người đã gửi hơn 11 đồng vào quỹ tiết kiệm... Nói tóm lại: "Lã rượu" từ một làng kém cỏi nay đã trở thành một làng tốt tươi.

Có kết quả tốt đẹp đó là do chi bộ tốt, chi đoàn tốt; do cán bộ, đảng viên và đoàn viên đều làm gương mẫu tốt, lôi cuốn đồng bào cả làng làm theo.

NHỮNG CHI BỘ CHƯA TỐT

Văn Hải (Thái Bình) là một thôn ruộng nhiều, đất tốt, dân làng cần cù (trích báo Nhân Dân, 27-10-1963). Chi bộ lãnh đạo khá tốt hợp tác xã nông nghiệp. Năm nào sản lượng cũng có tăng. Đời sống xã viên được cải thiện. Công việc văn hóa, dân quân, v.v. đều khá. Đó là ưu điểm.

Nhưng chi bộ đã phạm khuyết điểm lớn: Mấy năm qua, vì chi bộ lãnh đạo kém mà Văn Hải đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước. Năm 1961, chỉ thực hiện được 40%, năm 1962: 70%; năm 1963, Văn Hải nhận bán cho Nhà nước 250 lợn, đến nay mới bán được 30 con.

Chi bộ chẳng những không ra sức lãnh đạo quần chúng làm trọn nghĩa vụ, mà còn tệ hơn nữa, là giấu giếm sản lượng để hạ thấp mức lương thực bán cho Nhà nước. Như vụ mùa 1962, hợp tác xã Văn Hải (do bí thư chi bộ kiêm chủ nhiệm) đã giấu bớt 39 tấn thóc!

Vì cán bộ và đảng viên không nêu gương mẫu tốt, mà lại nêu gương xấu, cho nên trong thôn đã sinh ra nhiều lãng phí, tham ô: Nhiều đội sản xuất đã lén lút lập quỹ riêng. Bà con dân làng dùng thóc gạo rất phung phí. Hễ có giỗ tết, cưới xin, là mổ lợn. Động một chút là "liên hoan" và mổ lợn. Chi hội phụ nữ chỉ họp trong 2 giờ (để sơ kết đợt 1 cải tiến quản lý hợp tác xã...!) cũng mổ 3 lợn! Thiếu nhi họp xóm, cũng mổ lợn!

Có tình trạng như thế là vì nhiều đồng chí cán bộ và đảng viên còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, tự tư tự lợi và chủ nghĩa địa phương, chỉ thấy lợi ích riêng mà không thấy lợi ích chung của Nhà nước.

Phải nhận một cách dứt khoát rằng nhân dân ta rất tốt, đồng bào Văn Hải cũng vậy. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên xung phong gương mẫu tốt, thì nhất định nhân dân sẽ hăng hái làm theo.

Mong rằng chi bộ Văn Hải sẽ quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, để trở nên một chi bộ tốt về mọi mặt.

T.L.

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3503, ngày 31-10-1963, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.193-195.


[1]. Báo Nhân Dân đăng dưới hai đề mục: Những chi bộ tốt Những chi bộ chưa tốt (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.