Ai bảo rằng những con số (1, 2, 3, 4, v.v.) là nhạt nhẽo, khô khan. Sự thật thì có những con số làm cho người ta vui mừng, phấn khởi. Đó là những con số về sự phát triển của phe xã hội chủ nghĩa. Vài thí dụ:

Ở Liên Xô - Ngoài 37.000 xí nghiệp to sẵn có, năm 1961 có thêm 3.700 xí nghiệp mới và to đã đưa vào sản xuất.

4 năm đầu của kế hoạch 7 năm, sản lượng công nghiệp nặng đã tăng 45%, (trước định tăng 39%).

Năm 1953, nông nghiệp thu hoạch 82 triệu tấn ngũ cốc, 5 triệu 80 vạn tấn thịt.

Năm 1962, nông nghiệp thu hoạch 149 triệu tấn ngũ cốc, 9 triệu 20 vạn tấn thịt. Trong số ngũ cốc này, Nhà nước đã mua 56 triệu tấn. Năm 1963, do thu hoạch tăng hơn nữa cho nên Nhà nước sẽ mua 69 triệu tấn, và vài ba năm sau sẽ mua độ 82 triệu tấn.

8 năm nay, so sánh giữa Liên Xô và Mỹ thì công nghiệp nặng phát triển như sau:

Về tốc độ: Liên Xô tăng 11%, Mỹ tăng 2,3%.

Về sản lượng: Liên Xô tăng 9%, Mỹ tăng 1%.

Trong 4 năm qua, Liên Xô đã xây dựng ở các thành thị 9 triệu phòng ở (có phòng ngủ, phòng ăn, phòng tắm, bếp nấu... đủ cho một gia đình), và 2 triệu 40 vạn nhà mới ở nông thôn. Liên Xô đã xây dựng nhà ở nhiều nhất, không nước nào bằng.

40% công nhân và 23% nông dân Xôviết đã tốt nghiệp trung học hoặc đại học.

Do kinh tế phát triển mạnh mà đời sống được nâng cao không ngừng. Lại do đó mà tuổi thọ cũng nâng cao. Trước Cách mạng Tháng Mười, trung bình người Nga thọ 36 tuổi. Hiện nay, trung bình người Xôviết thọ 68 tuổi. Câu thơ của cụ Đỗ Phủ: "Nhân sinh thất thập cổ lai hi", không còn đúng nữa[ 1].

Ở Triều Tiên - Với phong trào thi đua sôi nổi "Thiên Lý mã", nhân dân Triều Tiên anh em đã thắng lợi đạt 6 "đỉnh cao" trong công nghiệp và nông nghiệp do Đảng và Chính phủ đề ra. Ở đây chỉ nêu một thí dụ: Năm 1962 các nhà máy dệt đã vượt mức kế hoạch 250 triệu thước các loại vải vóc. Trong đợt thi đua quý 4, tháng 10 đã tăng hơn tháng 9 trên 2 triệu thước, tháng 11 đã tăng hơn tháng 10 trên 4 triệu 80 vạn thước…

Hiện nay nghề dệt có hơn 8.000 mặt hàng và chỉ một ngày rưỡi đã sản xuất hơn cả năm 1944. Có những chị thợ dệt như Kim Ngọc Thuận, Bạch Cát Tử, Lý Nhất Tử, Xa Phụng Thúc, v.v. chỉ trong 4 tháng đã hoàn thành kế hoạch cả năm.

Ở Trung Quốc - Trải qua hơn 3 năm liền bị thiên tai nghiêm trọng, "Trung Quốc đã thu hoạch tốt hơn (Kể từ năm 1958 đến nay) là 182 triệu tấn ngũ cốc. Hiện nay, người ta nhận rằng kinh tế Trung Quốc đã qua khỏi tai nạn, mà chuyển tốt rồi" (Báo Anh, 6-12-1962). "Mức sống bình quân đang tiến lên dần, người Trung Quốc tương đối thoải mái" (báo Hồng Kông, 29-11-1962).

Ở miền Bắc nước ta - Năm 1962, phong trào thi đua yêu nước: Duyên Hải, Đại Phong, Ba Nhất, Hai Tốt khá sôi nổi. Kết quả khá tốt. Công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ cũng như thủ công nghiệp đều hoàn thành kế hoạch. Một thí dụ:

Nhà máy Duyên Hải đã hoàn thành vượt mức 5 chỉ tiêu lớn. Tổng giá trị sản lượng tăng hơn năm 1961 trên 28%. Năng suất lao động tăng gần 5%, giá thành hạ hơn 8%. Đã tiết kiệm được gần 271.500 giờ công và hơn 277.000 đồng, 17 tổ và 3 phòng đang phấn đấu để giành danh hiệu "lao động xã hội chủ nghĩa".

Trừ những vùng bị lụt bão có thiệt hại ít nhiều, năm 1962 nông nghiệp thu hoạch khá. Nhiều nơi đồng bào nông dân đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước (bán thóc, nộp thuế, trả nợ) tốt và nhanh hơn mọi năm.

Mặc dù còn có khó khăn trong sự trưởng thành, đời sống nhân dân đã được cải thiện một bước.

Mấy con số tóm tắt trên đây cũng đủ làm cho ta phấn khởi. Sang năm mới, mọi người chúng ta phải có cố gắng mới trong phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, quyết tâm giành thắng lợi mới, để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1963.

T.L.

-----------------------------

[1] Đỗ Phủ là người Trung Quốc, nhà thơ nổi tiếng đời nhà Đường, sinh năm 712, mất năm 770. Câu thơ "Nhân sinh…" nghĩa là: Xưa nay ít người thọ 70. Ở Liên Xô hiện nay có độ 5 triệu 50 vạn cụ thọ 70 tuổi trở lên.

- Báo Nhân Dân, số 3203, ngày 1-1-1963, tr.1, 4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.