Gần đây, công nhân hai công trường "Thắng Lợi" và "Bắc Phi", thuộc mỏ than Cẩm Phả, liên tiếp lập nhiều kỷ lục sản xuất mới: Mức lấy than và bóc đất quy định cho mỗi tầng là 30 đến 32 chuyến một ca. Năm ngoái, năm kia, rất ít khi vượt được mức ấy. Thế mà trong mấy tuần nay, có những tầng đã làm tới 205 hoặc 245 chuyến một ca.

Điều đáng chú ý là công nhân các tầng này vẫn sản xuất theo lối thủ công và chở than, chở đất bằng xe goòng như trước; nhưng do ý thức làm chủ được nâng cao, họ làm việc rất hào hứng và có những sáng kiến làm cho công việc hợp lý hơn trước, nên năng suất lao động lên vượt bậc.

Việc làm của công nhân các công trường "Thắng Lợi" và "Bắc Phi" là một ví dụ rất rõ về việc khơi những nguồn khả năng vốn có trong các xí nghiệp, công trường, cơ quan của chúng ta.

Trong hoạt động hàng ngày của mỗi đơn vị sản xuất hay công tác, vẫn có bao nhiêu việc có thể sửa đổi cho tốt hơn, hợp lý hơn, và bao nhiêu sự chậm trễ, lãng phí có thể tránh được. Do tình hình sản xuất phát triển và kinh nghiệm sản xuất của công nhân mỗi lúc một dồi dào thêm, có những cái hôm nay là hợp lý, hôm sau đã trở thành không hợp lý, hoặc hôm nay là tiên tiến, hôm sau đã trở thành lạc hậu. Bởi vậy, cải tiến sản xuất, cải tiến công tác là một cuộc phấn đấu không ngừng. Hôm nay đã cải tiến, hôm sau lại có thể cải tiến nữa. Đó là một nguồn khả năng vô tận. Nhưng những khả năng tiềm tàng rất lớn ấy cũng ví như những vỉa than thường bị đất, đá đè nặng lên che lấp. "Đất đá" đây có thể là tư tưởng bảo thủ và lối làm việc quan liêu của một số cán bộ lãnh đạo. "Đất đá" đây cũng có thể là thói quen cũ hoặc sự tính toán hơn thiệt riêng của một số công nhân chưa thật nhận rõ mình là người chủ của xí nghiệp.

Chúng ta hãy cùng xắn tay áo lên, bóc cho kỳ hết những lớp "đất đá" ấy, để khơi những nguồn khả năng mới, đưa sản xuất tiến lên vượt bậc như ở các công trường "Thắng Lợi" và "Bắc Phi" mấy tuần nay.

C.K.

------------------------

Báo Nhân Dân, số 2173, ngày 29-2-1960, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.