Chúng ta kịch liệt chống bọn đế quốc Mỹ dã man đang dùng bom đạn và thuốc độc giết hại đồng bào ta ở miền Nam. Đồng thời chúng ta cũng kính trọng những người Mỹ tiến bộ, họ chống lại đế quốc Mỹ, thủ phạm trong cuộc chiến tranh xâm lược đó.

Ngày đầu tháng 3-1963, hơn 60 nhân sĩ tiến bộ Mỹ đã gửi thư đòi Tổng Ken chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở miền Nam Việt Nam. Họ đã nghiêm khắc lên án cuộc chiến tranh đó là bẩn thỉu, vì nó ngăn cản phong trào giải phóng của nhân dân Việt Nam; là phi pháp, vì nó không được Quốc hội Mỹ cho phép; là vi phạm luật lệ quốc tế, vì nó phá hoại Hiệp nghị Giơnevơ (1954) về Đông Dương. Trong bức thư có những đoạn như sau:

"Hơn một năm nay, Mỹ đã tung ra một lực lượng quân sự rất to; nhưng ngày nay Mỹ vẫn không đến gần thắng lợi.

Trái lại, quân du kích miền Nam thì đã thu được ngày càng nhiều vũ khí của Mỹ cấp cho Diệm và dùng những vũ khí ấy bắn rơi máy bay Mỹ. Số binh sĩ Mỹ chết và bị thương ngày càng nhiều. (Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, hơn 100 binh sĩ Mỹ đã bỏ mạng, bằng 1 phần 3 số người Mỹ chết trong năm ngoái). Miền Nam Việt Nam có thể trở thành một thứ Angiêri của Mỹ".

Bức thư đã nhắc lại lời Tổng Ken phê bình Tổng Ai can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Năm 1954, ông Ken (hồi đó Ken chưa làm Tổng thống) nói trước Quốc hội Mỹ: "Tung tiền bạc, vũ khí và quân đội vào Đông Dương mà không có một chút nào hy vọng thắng lợi, là một việc nguy hiểm và vô ích, là một chính sách tự sát... Viện trợ quân sự Mỹ không thể thắng được lực lượng du kích ở Đông Dương, vì quân du kích được nhân dân ủng hộ và che chở...".

Bức thư viết tiếp: "Những người chống Diệm là đại biểu của một phong trào dân tộc giải phóng rộng lớn... Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ không thể nào thắng được. Mỹ càng ra sức giúp Diệm, thì Diệm càng lộ rõ cái mặt làm bù nhìn cho Mỹ...

"Từ 1954, mỗi năm Mỹ đã hao tốn 500 triệu đôla để duy trì tình trạng chia cắt đất nước Việt Nam, hòng biến miền Nam thành một căn cứ chống cộng. Mỹ đang ủng hộ chế độ độc tài tàn bạo Ngô Đình Diệm chống lại Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - là một khối gồm các chính đảng, các dân tộc, các tôn giáo".

Cuối cùng bức thư đề nghị:

- Chấm dứt sự can thiệp quân sự của Mỹ vào miền Nam Việt Nam.

- Họp một cuộc hội nghị quốc tế để vạch ra một giải pháp hòa bình.

Điều đáng chú ý là: Tháng 4 năm ngoái, một nhóm nhân sĩ tiến bộ Mỹ đã gửi thư về vấn đề này cho Tổng Ken. Bức thư đó có mười sáu người ký tên. Bức thư lần này có hơn sáu mươi người ký. Ngoài những người có uy tín như giáo sư Pôlinh và mấy vị nhân sĩ đã cùng ký tên vào bức thư năm ngoái, lần này, số người ký tên đã đông hơn trước, mà thành phần xã hội cũng rộng hơn, trong đó có những người như ông Hêxtơ là một tướng quân, ông W.H. Phranxi là tổng giám mục, bà Itơn là một người đại tư bản, v.v.. Một điểm đáng chú ý nữa là: Ông Menphin (thủ lĩnh một nhóm đại biểu Quốc hội Mỹ) trước đây đã ra sức ủng hộ Diệm, thì nay ông ta cũng phải thú nhận rằng:

"Sau mấy năm viện trợ quân sự Mỹ cực kỳ hao tổn, nay người ta thấy rằng viện trợ đó đã dùng vào việc bồi dưỡng những lực lượng xấu xa...".

Dư luận Mỹ cũng như dư luận thế giới ngày càng lên án Mỹ - Diệm. Vài thí dụ:

- Giáo sư Milét (người Mỹ) đã ở Sài Gòn hơn một năm; khi về Mỹ, ông ta viết: Chính phủ Mỹ ra sức giúp đỡ tên độc tài Diệm, nhưng "tất cả người Việt Nam từ già đến trẻ, kể cả các nhân vật trong Chính phủ Diệm, các giáo sư, sinh viên và sĩ quan đều lên án Diệm...".

- Báo Diễn đàn Nữu Ước (16-1-1963) viết: "Vì sự nghiệp nào mà nhiều người Mỹ đã chết ở miền Nam Việt Nam? Chính phủ Mỹ đã nói gì với cha mẹ, vợ con của những người Mỹ đã thiệt mạng đó, và đã nói gì với nhân dân Mỹ?...".

Kết luận: Mỹ - Diệm ngày càng sa lầy thì chúng càng tàn bạo. Nhưng đồng bào miền Nam đoàn kết chặt chẽ, cảnh giác cao độ, đấu tranh bền bỉ thì chắc chắn sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.

T.L.

-----------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3280, ngày 20-3-1963, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.57-59.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.