Xã Hiệp An thách các xã toàn miền Bắc thi đua sản xuất vụ mùa thắng lợi: Mỗi mẫu tây sẽ thu hoạch năm tấn (xem báo Nhân Dân ngày 15-5-1959).

Để đạt mục đích ấy, xã Hiệp An đã đặt một chương trình rất thiết thực như:

Về nước thì ra sức làm mương phai;

Về phân thì bón mỗi mẫu ta 260 gánh.

Cày sâu, cấy dày, chọn giống tốt.

Ngoài việc sản xuất lúa, xã Hiệp An còn cố gắng đẩy mạnh việc chăn nuôi gà, vịt, lợn, cá.

Xã Hiệp An cũng chú ý phát triển tổ đổi công và hợp tác xã. Chương trình này đã được cán bộ, đảng viên và xã viên thảo luận kỹ và đều quyết tâm thực hiện.

Với tinh thần hăng hái, chí khí kiên quyết, cách làm dân chủ như vậy, xã Hiệp An chắc sẽ hoàn thành kế hoạch đã định.

Sẵn đây, tôi xin đề nghị bổ sung vài điểm vào chương trình ấy:

- Cũng nên nêu cao vai trò gương mẫu của các đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động.

- Nếu tính mỗi gánh phân là 35 kilô (hoặc 50 kilô), thì xã Hiệp An bón mỗi mẫu tây 27 tấn (hoặc 39 tấn) phân. So với bà con nông dân ta, thì xã Hiệp An đã tiến bộ khá. Nhưng so với bà con nông dân Trung Quốc (mỗi mẫu tây họ bón 125 tấn phân hoặc nhiều hơn, cho nên họ đã thu hoạch bảy tấn rưỡi thóc mỗi mẫu tây), thì xã Hiệp An còn phải cố gắng nhiều.

- Việc trừ sâu diệt chuột, việc săn sóc quản lý ruộng, việc cải tiến kỹ thuật, đều rất quan trọng để nắm chắc thắng lợi.

- Về tổ đổi công và hợp tác xã, cần phải chú ý: Nắm vững nguyên tắc tự giác, tự nguyện; và tổ chức cái nào phải củng cố thật tốt cái ấy.

Sau đây là bài hát "Tám điều cần thiết", kính tặng bà con Hiệp An và toàn thể đồng bào nông dân ta:

1- Là nước phải đủ,

2- Là phân phải nhiều,

3- Bừa kỹ, cày sâu,

4- Phải chọn giống tốt,

5- Nên cấy dày cột,

6- Là phòng chuột, sâu,

7- Là nhắc nhủ nhau, việc cải tiến kỹ thuật,

8- Phải quản lý tốt từ đầu đến cuối mùa.

Tám điều cố gắng thi đua,

Thì ta nắm chắc vụ mùa thắng to.

TRẦN LỰC

--------------------

- Báo Nhân Dân, số 1891, ngày 20-5-1959, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.224-225.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.