PHÈNG, PHÈNG, PHÈNG…
Ngày 4-11-1957, Liên Xô phóng vệ tinh thứ hai nặng hơn nửa tấn. Ngày 7-11-1957, Tổng thống Ai (Dwight D. Eisenhower, BT) nước Mỹ vội vã đọc diễn văn trước máy vô tuyến truyền hình. Sau lưng Ai, để sẵn một vật bằng kim khí hình thù như cái chóp nón.
Đang nói về kế hoạch vệ tinh nhân tạo của Mỹ, Ai vội quay lưng lại, giơ tay chỉ vào chóp nón mà rằng:
“A-lô… Thưa quốc dân toàn quốc, đây là cái chóp nón của một thứ tên lửa đã được phóng lên cao rồi lại điều khiển bay về nguyên vẹn. Nước Mỹ đã giải quyết được vấn đề thu lại được những vật phóng lên trên tầng khí quyển…”.
Phèng, phèng, phèng…
BỊ NGAY MỘT CÁI TÁT
Nhưng ngay ngày hôm sau, ngày 8-11-1957, hãng AFP nói ngay: “Tưởng gì lạ, đó là cái tên lửa Giuy-pi-te (Jupiter missiles, BT), bắn xa cỡ trung bình mà thôi”.
Và Xăng-đít, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, tát ngay vào mặt Ai một câu: “Bắn lên trời một viên đạn rồi nó lại rơi xuống đất, thế mà cũng đem khoe không biết ngượng. Chỉ mới có Liên Xô giải quyết được vấn đề mà Ai nói khoác ấy”.
Báo chí Anh bồi thêm: “Đáng lẽ vệ tinh của Liên Xô cũng đã dạy cho Ai biết khiêm tốn hơn mới phải chứ”.
“SA HOÀNG” TÊN LỬA
Trong bài diễn văn, Ai tuyên bố cử Giây-mơ Ki-li-an làm cố vấn về tên lửa và vệ tinh của tòa Bạch Ốc.
Sau đó, báo chí được lệnh tâng Ki-li-an lên và gọi Ki-li-an là một “Sa hoàng” (Tsar: tên chỉ vua Nga ngày trước, cũng có nghĩa là một vua chuyên chế, độc tài). Báo chí tư sản Anh, Pháp, Tây Đức… cũng la ầm lên: Nước Mỹ có “Sa hoàng tên lửa” mà không có vệ tinh, còn Liên Xô thì chính vì đã đánh đổ “Sa hoàng” mà ngày nay có hai vệ tinh của quả đất”.
LỤC QUÂN GIỎI?
Toà Bạch Ốc thông cáo:
“Cử ra một “Sa hoàng tên lửa” là để chấm dứt sự cạnh tranh giữa hải, lục và không quân”.
Nhưng liền ngay đó, lục quân nói: “Cái tên lửa mà Tổng thống Ai đã khoe, chính là cái Giuy-pi-te của lục quân chúng tôi. Nếu để cho lục quân phụ trách phóng vệ tinh thì Mỹ đã có vệ tinh trước Liên Xô rồi”.
Toà Sáu Góc (tức Bộ quốc phòng Mỹ) liền cho phép lục quân được dùng tên lửa Giuy-pi-te để chuẩn bị phóng vệ tinh. Tiếp đó các hãng thông tin Mỹ đưa tin rối mù lên, làm như Mỹ sắp phóng vệ tinh đến nơi.
Báo chí của lục quân nói: “Vệ tinh của lục quân sẽ phóng lên trước cả vệ tinh “Tiên phong”(!) của hải quân. Vệ tinh của lục quân nặng những 9 cân 9 lạng, nghĩa là nặng hơn “Tiên phong”. Hải quân chỉ dự định phóng có hai vệ tinh. Lục quân sẽ phóng nhiều hơn. Giuy-pi-te là tên lửa lớn nhất của Mỹ. Lục quân hơn hải quân vì có Vông Bơ-rao điều khiển. Vông Bơ-rao, theo Mỹ, là cứu tinh nước Mỹ, cứu tinh của khối Bắc Đại Tây Dương là “người cha” của tên lửa Mỹ”.
Mắc En-roi, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, liền ký nghị định cho sản xuất hàng loạt tên lửa Giuy-pi-te.
Nhưng nhân dân Mỹ kháo nhau: “Mắc En-roi là giám đốc xưởng Cơ-rít-le đã làm ra cái Giuy-pi-te”.
Báo chí Pháp thì bình luận: “Vông Bơ-rao là tên quốc xã Đức đã phục vụ đắc lực cho Hí-tle. Nước Mỹ “tự do” mà phải bái hắn làm cha hay sao?”.
Khoe khoang mãi, đến ngày 26-11-1957, Bộ Quốc phòng đích thân điều khiển bắn thử, chiếc Giuy-pi-te lại tịt không chịu bay.
HẢI QUÂN TỨC
Thấy lục quân có vẻ “thắng thế”, hải quân tức lắm.
Giôn Ha-ghen, phụ trách vệ tinh “Tiên phong”, liền tuyên bố: “Kế hoạch: “Tiên phong” vẫn không thay đổi. Vệ tinh của hải quân vẫn giữ tên “Tiên phong”. Hải quân sẽ phóng những sáu vệ tinh chứ không phải hai như lục quân nói”.
Ngày 5-11, hãng MBS đưa tin: “Một tuần nữa, Mỹ sẽ phóng một vệ tinh có chở sâu bọ của hải quân”.
Nhưng một tuần, rồi hai, ba, bốn tuần vẫn chưa thấy gì.
Ngày 12-11-1957, Ha-ghen lại tuyên bố: “Vệ tinh của hải quân có máy phát thanh vô tuyến điện. Ở Mỹ sẽ nghe được ký hiệu nhờ một hệ thống thu tin được bố trí. Và chúng tôi có thể thu hồi vệ tinh ấy về được”.
Nhưng đến ngày 16-11, thấy rằng mình đã nói hơi quá, hải quân Mỹ liền thông cáo: “Chỉ những máy thu thanh thật đặc biệt mới nghe được ký hiệu của vệ tinh Mỹ”.
TA CÓ SAO BĂNG CƠ!
Thấy lục và hải quân “làm ăn” tợn, Gơ-rê-gô-ry, chỉ huy công việc nghiên cứu của không quân, bực mình tuyên bố: “Không quân đã nghiên cứu những “con tàu vũ trụ” có “chở người” từ lâu. Tên lửa “Pha-xai-dơ” của không quân, bắn lên cao những 6.000 cây số, là một “bước ngoặt” trong việc chinh phục vũ trụ”.
Ghê quá, thế là không quân hơn cả nhé.
Nhưng báo chí Mỹ vạch trần: “Con số 6.000 cây số có ai đảm bảo cho đâu. Nói 6.000 chứ nói phóng lên một vạn cũng được”.
Ngày 16-10, không quân bắn chừng 100 hòn bi nhôm, mỗi hòn nặng chừng vài “gơ-ram” lên trời. Thí nghiệm này đã làm từ năm 1947, và đến lần này cũng không có gì đặc biệt nên lúc đầu không có thông cáo gì.
Nhưng đến ngày 23-11, nghĩa là hơn một tháng sau, không quân liền gọi luôn những hòn bi đó là “sao băng nhân tạo”. Rồi lại tuyên bố đã “có lẽ” là có hai hòn lên đến tận mặt trời rồi(!).
Trước tài “nói khoác một tấc lên đến trời” ấy, chưa biết hải và lục quân đã chịu thua chưa, đợi xem hồi sau sẽ rõ.
K.C.
---------
Báo Nhân Dân, số 1369, ngày 8-12-1957, tr.2.