Ở Mỹ - Ngày 12-12-1955, một thủ lĩnh Mỹ là ông Sti-ven-xơn nói: “Trong khi một công ty nọ năm nay thu được hơn 2.000 triệu đô-la tiền lãi, thì hơn 8 triệu gia đình Mỹ thiếu ăn nửa năm, và hơn 30 triệu người Mỹ đói, rét, không biết thịnh vượng là gì”.

Theo các báo Mỹ, thì hiện nay (cuối tháng 3-1956), số gia đình Mỹ thiếu ăn tăng đến 12 triệu; số dân Mỹ đói, rét tăng gần 53 triệu người, tức là 33% tổng số dân Mỹ.

Trong lúc đó, để giữ cho nông sản khỏi sụt giá và các nhà tư bản Mỹ thu được lãi to, tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh giảm bớt 1 phần 5 diện tích trồng lúa và trồng bông:

Diện tích trồng lúa giảm bớt 22 triệu mẫu tây.

Diện tích trồng bông giảm bớt gần 7 triệu mẫu.

Những chủ ruộng giảm bớt diện tích trồng trọt sẽ được chính phủ bồi thường bằng tiền hoặc bằng hiện vật!

Tờ báo tư sản Mỹ Thời báo (5-3-1956) viết: “Hiện nay, nước Mỹ có độ 16 triệu người mắc bệnh thần kinh. So với các nước khác, sức khỏe của nhân dân Mỹ kém nhất trên thế giới”.

*

*     *

Ở Liên Xô - Trong hai năm qua, để phát triển nông nghiệp, Liên Xô đã chi thêm 34.400 triệu đồng rúp cho các nông trường, và thêm 404.000 máy cày, 228.000 xe cam-nhông, 83.000 máy gặt hái.

Đã phái về nông thôn hơn 2 vạn cán bộ chỉ đạo và 12 vạn chuyên gia.

Đã vỡ thêm 33 triệu mẫu tây ruộng hoang.

Ruộng trồng ngũ cốc năm 1954 là 103 triệu mẫu tây, năm 1955 tăng đến 126 triệu rưởi mẫu.

Cuối kế hoạch 5 năm thứ sáu, lúa mì sẽ tăng đến 180 triệu tấn. So với năm 1955, các khoản thu nhập của nông dân ở các nông trường sẽ tăng 40%.

Hiện nay, khoản thu nhập của mỗi nông dân là bao nhiêu?

Thí dụ: Ở nông trường U-dơ-bếch, trung bình mỗi người mỗi tháng được 1.200 đồng rúp[1], trong số đó chừng:

426 rúp bằng tiền mặt,

200 rúp bằng thóc,

600 rúp bằng các thứ rau và hoa quả.

Những chiến sĩ thi đua xuất sắc, thì được hơn: 500 rúp tiền mặt và 100 ki-lô thóc một tháng.

Ngoài ra, mỗi gia đình có một đám vườn riêng để nuôi bò và lợn, gà; trồng các thứ rau và cây ăn quả. Mỗi năm, bán được hơn 6.000, 7.000 rúp.

Khi đau ốm, người nông dân Liên Xô được săn sóc, không mất tiền thầy, tiền thuốc. Mỗi năm được xem hát, xem chiếu bóng độ 100 lần, không mất tiền. Con em đi học không phải trả tiền… Nói tóm lại, người nông dân ở các nông trường Liên Xô hưởng một đời sống no ấm, đầy đủ.

Bà con ta thử so sánh nông dân Mỹ và nông dân Liên Xô, ai sung sướng hơn?

C.B.

---------

[1] 1 đồng rúp Liên Xô bằng độ 1.000 đồng ngân hàng ta

Báo Nhân Dân, số 761, ngày 3-4-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.