Chị Đ. quê ở Hưng Yên,

Giao thông một huyện gần miền hỏa xa.

Từ tiếng súng bùng ra kháng chiến,

Huyện chị Đ., giặc chiếm xung quanh.

Mỗi năm mấy cuộc “tảo thanh”[1],

Xóm làng xơ xác, cỏ xanh ngập đồng.

Tuy vậy, dân ta vẫn một lòng kiên quyết,

Quyết làm sao tiêu diệt giặc Tây.

Cho nên: Đấu tranh càng tiến càng gay,

Nhóm kia bị quét, nhóm này nổi lên.

Trong lúc đó, chị Đ. phụ trách đi lập trạm giao thông bí mật khắp các làng trong huyện.

“Đi đêm nhiều, ắt gặp ma”,

Chị Đ. bị bắt, bị tra 6 lần.

Nhưng lần nào chị cũng giấu được tài liệu, không để lọt vào tay địch. Chị bị địch tra tấn dã man: Mấy lần chết đi, sống lại, chị vẫn kiên quyết không nói một lời. Lần thứ 6, chị bị đánh tợn hơn, bị giam lâu hơn hết. Rồi một tên ngụy binh đòi lấy chị làm vợ. Chị “tương kế, tựu kế”:

Miễn là ích nước lợi dân,

Hy sinh nào quản chi thân phận mình.

Từ đó, chị ra sức thăm dò tin tức, bí mật viết lại và nhờ người chuyển đến các nơi. Nhờ vậy:

Mấy lần quân địch đi càn,

Ta đều biết trước, sẵn sàng phản công.

Một hôm, nhân lúc trong đồn địch lộn xộn, chị Đ. bỏ trốn. Vừa bò vừa chạy mấy cây số, đến một ao rau muống, chị lặn dưới ao suốt một ngày. Đến tối, chị mới mò lên, tìm về địa điểm bí mật. Thật là:

Mấy phen chìm, nổi, lênh đênh,

Mà lòng kháng chiến trung trinh không sờn.

C.B.

------------

[1]) Càn quét (BT)

- Báo Nhân Dân, số 55, ngày 24-4-1952, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.380-381.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.