Tờ báo tư sản Mỹ Luận đàn Nữu-Ước (12-4) viết đại ý như sau:

Phải chăng Liên Xô phát triển mạnh, chỉ trong mấy năm đã lôi cuốn 1.000 triệu người theo ảnh hưởng cộng sản, và không những Liên Xô đã trở nên một cường quốc có không quân và hải quân dùng sức nguyên tử, mà còn là một nước công nghiệp phát triển mau chóng nhất? Đó là câu hỏi mà những người thống trị phương Tây đã đặt ra.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ đã gặp một đối thủ (tức là Liên Xô) đông nhân dân hơn, giàu nguyên liệu hơn… Đặc biệt về mặt kinh tế, sự thách thức của Liên Xô thật là bất thình lình. Vì trước đây không lâu, chẳng ai coi phe cộng sản là đối thủ đáng kể. Cho đến năm 1947, không ai đặt ra vấn đề thi đua trong chung sống hòa bình, bởi vì Liên Xô chưa có gì mà thi đua và chỉ có Mỹ là giàu mạnh nhất.

Trong 10 năm nay, ở Đông Âu thì kinh tế các nước dân chủ được củng cố; ở châu Á thì Trung Quốc và nhiều xứ khác đã vào phe cộng sản; ở Liên Xô thì kinh tế phát triển mạnh.

Đến năm 1954, Liên Xô đã đưa việc buôn bán và việc giúp đỡ, cộng với việc tuyên truyền. Mỹ bất thình lình chạm trán với một đối thủ mạnh mẽ.

Ngoài sự khôn khéo của các nhà ngoại giao, Liên Xô còn có một điều kiện thuận lợi nhất để lôi cuốn các nước chậm tiến - đó là cái tài mua bán. Đối với nhiều nước nông nghiệp, Liên Xô có thể mua giúp sản phẩm của họ; nhưng Mỹ thì chịu phép.

Trong cuộc thách thức, phe cộng sản đã đạt một số thành tích: một nước nhỏ như Ai-slan, hội viên của khối Bắc Đại Tây Dương, đã đòi quân đội phương Tây rút khỏi nước ấy. Các nước Đan-Mạch, Hà-Lan, Ben-Gíc, thậm chí các nước Gờ-rết, Thổ Nhĩ Kỳ, và một vài nơi ở Tây Âu đã lên tiếng đòi trung lập. Nhân dân Bắc Phi tố cáo Mỹ bênh vực Pháp chống lại người A-rập, và họ đòi Mỹ phải bỏ căn cứ quân sự Mỹ ở trên đất nước họ. Xa xăm như nước Xây Lan, vị Thủ tướng thân Mỹ cũng bị thất bại trong cuộc tổng tuyển cử…

Một vị quan lại cao cấp Mỹ nói: “Để ngăn ngừa cộng sản lan rộng, Mỹ và phe Mỹ nên rút lui có trật tự khỏi những nước chậm tiến; còn hơn là ỳ ra, làm cho họ oán ghét và dọn đường cho người cộng sản lên nắm chính quyền”.

Hôm 23-4, Ngoại trưởng Mỹ là Đa-lét nói: “Mỹ đang tìm cách để đưa gần đến ngày mà tình hữu nghị giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Mỹ sẽ trở lại đầy đủ”.

Vì sao Mỹ đã từ chỗ gầm hét và đe dọa, đi đến chỗ thú thật và đổi giọng?

Đó là vì sự thắng lợi không ngừng của Liên Xô về mặt phát triển kinh tế cũng như trong chính sách chung sống hòa bình.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 787, ngày 29-4-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.