Thật đấy! Đó không phải là tin bịa đặt.
Nếu một tỉnh Pháp thí dụ tỉnh Xen, bị máy bay Pháp ngày đêm bắn phá, bị quân đội Pháp ngày đêm càn quét; nếu công dân tỉnh ấy - già, trẻ, gái, trai - bị cảnh sát Pháp bắt bớ, bắn giết; nếu nhân dân tỉnh Xen nổi lên chống cự bằng vũ trang...; nếu như vậy, thì chẳng phải Pháp có nội chiến là gì?
Thủ tướng Đờ Gôn tuyên bố rằng Angiêri là một tỉnh của Pháp. Bài này không bàn ông Đờ đúng hay là sai, mà chỉ nói sự thật là: Hiện nay có 80 vạn binh sĩ Pháp đang đánh phá ở “tỉnh” Angiêri, công dân Angiêri bị quân đội Pháp bắt bớ, bắn giết. Một thí dụ: Anh Lơphebơrơ, một thanh niên Pháp đi lính ở Angiêri 11 tháng, đã viết thư cho Tổng thống Pháp, trong thư có đoạn:
Ngoài những cuộc đánh nhau hàng ngày, “chính mắt tôi trông thấy hàng chục thanh niên Angiêri vô tội bị bắn chết... hàng trăm người Angiêri - có cả trẻ con và đàn bà - bị tra tấn tàn nhẫn... Tôi thấy những sĩ quan Pháp sau khi dùng sức điện tra tấn người Angiêri, đánh chết hoặc bắn chết họ... Hôm 24-7, trước ngày tôi được nghỉ phép, 31 nông dân Angiêri bị bắt gần làng Sêmôra; sau khi hỏi cung, họ bị chia thành từng tốp, và bị giết hết...” (Báo Tự do Pháp, 2-9-1958).
Nếu Angiêri là một “tỉnh” của Pháp thì Đờ Gôn phải nhận rằng Pháp có nội chiến. Nếu không thì Đờ Gôn phải nhận Angiêri là một nước độc lập, và thực dân Pháp phải cút đi.
Cuối tháng 9 vừa rồi, trong cuộc “trưng cầu dân ý” của Đờ Gôn, nhân dân Angiêri trong vùng tạm bị chiếm cũng “được mời” đi bỏ phiếu. Các báo Pháp cho biết rằng: “Cuộc bỏ phiếu ấy do quân đội thực dân Pháp tổ chức. Tướng Xalăng ra lệnh cho quân đội dùng mọi cách để thu cho được nhiều phiếu tán thành Đờ Gôn... Bộ đội Pháp mở những cuộc hành quân lớn để cưỡng ép nhân dân Angiêri ghi tên đi bỏ phiếu... Trong những ngày chuẩn bị bỏ phiếu, nhà cầm quyền Pháp ra lệnh giới nghiêm nhân dân Angiêri không được ra khỏi nhà... Những địa phương đang bỏ phiếu đều bị lính Pháp vây chặt tứ phía...”.
Hãng AFP cũng nhận rằng: “Lực lượng công an Pháp đã thêm nhiều ở thành phố Angiê, những đội tuần tra vũ trang phải bảo vệ những phòng bỏ phiếu...”.
Các báo Anh viết: “Gần 50 vạn quân đội Pháp giám thị các phòng bỏ phiếu ở Angiêri. Những người đi bỏ phiếu đàn bà cũng như đàn ông, đều bị lục soát kỹ...”.
Mặc dù những cách gian lận và khủng bố trong cuộc bỏ phiếu ở Angiêri (lời báo Pháp), hơn một triệu rưởi người Angiêri đã không chịu ghi tên, không chịu bỏ phiếu. Thế mà Bộ trưởng Tuyên truyền Pháp dám nói: “Cuộc bỏ phiếu ở Angiêri đã tiến hành trong bầu không khí vui như ngày tết (!)”.
Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Angiêri, Đại hội đồng Liên minh các dân tộc Arập và Ban bí thư các nước Bắc Phi đã tuyên bố trước thế giới: Cuộc “trưng cầu dân ý” của Đờ Gôn ở Angiêri là không hợp pháp và không có giá trị.
128 năm nay, nước Angiêri bị thực dân Pháp chiếm làm thuộc địa.
Bốn năm nay, nhân dân Angiêri anh dũng nổi lên kháng chiến. Lúc đầu khởi nghĩa, chỉ có hơn 1.000 chiến sĩ du kích đánh nhau với thực dân Pháp ở một địa phương nhỏ. Ngày nay, Quân giải phóng Angiêri đã trở nên hùng mạnh với 15 vạn người, đã giành lại 2 phần 3 đất nước, và đã thành lập chính thể cộng hòa của mình.
Một dân tộc đã biết đoàn kết chặt chẽ, nổi lên chống kẻ thù cướp nước, để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, thì họ nhất định thành công.
Trước đây hơn 40 năm, toàn thế giới là thế giới của bọn tư bản và đế quốc. Hồi đó, đế quốc Pháp đứng hàng đầu, chúng chiếm thuộc địa hầu khắp “bốn biển, năm châu”.
Cách mạng Nga thành công đã mở đường cho phong trào xã hội chủ nghĩa và giải phóng dân tộc. Từ đó, chủ nghĩa đế quốc ngày càng suy sụp, riêng đế quốc Pháp tan vỡ càng nhanh. Trong khoảng 17 năm nay, nhiều nước thuộc địa đã thoát khỏi xiềng xích thực dân Pháp và trở nên những nước độc lập, tự do như: Việt Nam, Miên, Lào, một số tỉnh Ấn Độ, Quảng Châu Loan, Li Băng, Xyri, Marốc, Tuynidi, Ghinê, và sẽ đến lượt Angiêri cùng các thuộc địa khác.
Ngày nay, đối với vấn đề Angiêri, thực dân Pháp chỉ có một lối ra: Hoặc là đàm phán với Chính phủ nước Cộng hòa Angiêri để chấm dứt chiến tranh; hoặc là chờ một Điện Biên Phủ mới ở Maghreb[1] giải quyết. Bằng cách này hoặc cách khác, chắc rằng nhân dân Pháp đều hoan nghênh.
T.L.
----------
- Báo Nhân Dân, số 1670, ngày 9-10-1958, tr.4.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.541.
[1]. Maghreb là tên chung của ba nước Bắc Phi: Marốc, Angiêri và Tuynidi (TG).