Dạo này đế quốc Mỹ và tổng thống Ai xúi quẩy thật. Chỉ trong bốn, năm tháng qua, họ liên tiếp bị những đòn thảm hại. Này nhé:

- Dạo tháng 2 - Tổng Ai đi thăm bốn nước Nam Mỹ. Đến đâu, cũng bị nhân dân "hoan nghênh nhiệt liệt" với khẩu hiệu "đế quốc Mỹ cút đi!".

- Tháng 4 - "Bạn thân" của tổng Ai và bù nhìn trung thành của Mỹ là Lý Thừa Vãn bị nhân dân Nam Triều Tiên đạp đổ.

- Tháng 5 - Máy bay do thám của Mỹ bị Liên Xô đánh rơi. Trước nhân dân thế giới, tổng Ai phải thú nhận y là một tên trùm mật thám. Đó là một vố chí tử mà đế quốc Mỹ đã tự đập vào danh dự của chúng.

- Rồi đến việc Mỹ phá hoại hội nghị cấp cao nhất ở Pari. Thế là Mỹ tự vạch mặt làm cho thiên hạ đều thấy rõ đế quốc Mỹ là kẻ phá hoại hòa bình.

- Cuối tháng 5 - Chính phủ thân Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị nhân dân đạp đổ. Thế là đế quốc Mỹ lại mất một cánh tay ở Cận Đông.

- Tháng 6 - Sau những thất bại chua cay đó, tổng Ai mong vá víu lại uy tín đã rách tươm của Mỹ, quyết định đi thăm bốn chính phủ bù nhìn ở Viễn Đông, nhất là chính phủ Nhật. Vì cũng như Tây Đức ở châu Âu, Nhật Bản là căn cứ quân sự to nhất của Mỹ, ở châu Á tổng Ai thì muốn lợi dụng chính phủ Kisi để thi hành âm mưu gây chiến của Mỹ. Kisi thì muốn lợi dụng Mỹ để củng cố địa vị bấp bênh của mình. Nhưng:

Một đôi kẻ cắp, mụ già,

Âm mưu đen tối quá là chủ quan.

Các chính khách và báo chí Mỹ thì xúi giục: Nếu vì nhân dân Nhật biểu tình mà tổng Ai không đến thăm Nhật, thì sẽ tỏ ra nhút nhát, điên rồ và Mỹ sẽ mất hết thể diện. Chính phủ Kisi thì nằn nì: "Mời quan thầy cứ đến. Ngoài số bộ đội và xe hơi đi tuần suốt ngày, chúng con đã động viên 25.000 cảnh sát, 813 chiếc xe chở đầy mật thám, 141 chiếc môtô cảnh vệ, 300 xe bọc sắt túc trực chung quanh trường bay, thủ đô Tôkyô sẽ giới nghiêm, v.v. để bảo vệ quan thầy". Tổng Ai thì đã chuẩn bị sẵn sàng hôm nào ăn tiệc với vua Nhật, hôm nào chơi cầu với Kisi, diễn thuyết thì nói những lời lừa bịp gì, v.v..

Nhưng hàng triệu nhân dân và hàng chục vạn thanh niên học sinh Nhật đã đồng thanh hô to: Tổng Ai chớ vác mặt đến đây!

Thế mới khổ cho tổng Ai chứ. Chung quy là tổng Ai không dám bén mảng đến Nhật.

Thất bại đó đã làm cho đế quốc Mỹ bực tức, lo lắng. Sau đây là tóm tắt vài kết luận của các chính khách và báo chí ở Mỹ và ở các nước tư bản:

"Đó là một sự tổn thất vô cùng nghiêm trọng cho uy tín của Mỹ… Địa vị của Mỹ đã bị lung lay dữ… Mỹ đã thất bại nhục nhã… Đó không những là một cái tát vào mặt tổng thống Ai và đế quốc Mỹ, mà cũng là một cái tát vào mặt các nước đế quốc phương Tây…".

Các báo chí và chính khách Mỹ còn khuyên nhân dân Mỹ cầu đức Chúa phù hộ cho tổng Ai bình an vô sự. Họ quên rằng trước mặt đức Chúa, vong hồn của mấy chục vạn người Nhật bị bom nguyên tử Mỹ giết chết ở Hirôsima và Nagadaki đang buộc tội đế quốc Mỹ và tổng thống Ai.

Tổng Ai là một vị tướng quân có tiếng gan góc trước quân đội hung ác của Hítle, mà nay đã phải hoảng sợ lui bước trước lực lượng đấu tranh của nhân dân Nhật. Đó là một thất bại chua cay của đế quốc Mỹ. Đó là một thắng lợi to lớn bước đầu của nhân dân Nhật anh dũng mà cũng là một thắng lợi chung của nhân dân thế giới chống chiến tranh xâm lược, chống chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ. Vậy có thơ rằng:

Ô hô Tổng thống Ai

Bị dân Nhật tát tai,

Và con cọp giấy Mỹ

Phải cụp đuôi chạy dài.

T.L.

----------

Báo Nhân Dân, số 2284, ngày 20-6-1960, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.