Cụ Lam là một Việt kiều già ở Thái Lan mới về nước trên chuyến tàu thứ 63, sau khi đã lưu lạc ở đất khách quê người ngót 50 năm. Cụ vui vẻ kể chuyện như sau:

“Nếu kể tỉ mỉ cuộc đời của tôi thì kể ba ngày bốn đêm cũng chưa hết, đồng chí ạ!”.

Quê quán tôi là xã Phú Hữu. “Phú Hữu” nghĩa là giàu có. Kỳ thật hơn 200 nhà trong xã đều nghèo xơ nghèo xác, số đông không có một mảnh đất cắm dùi. Suốt năm tay lấm chân bùn, mà đói rách lại hoàn đói rách.

Chỉ địa chủ Kỷ và lý trưởng Mỹ có vườn cau, ao cá, nhà ngói, sân nề. Hầu hết ruộng đất trong xã đều do hai anh em nó chiếm hữu.

Năm tôi 12 tuổi, mẹ ốm nặng. Cha vay lão Kỷ được 3 quan tiền đồng để chạy chữa thuốc men. Được ít lâu, tiền hết, mẹ cũng chết. Để trả nợ cho lão Kỷ, cha phải cầm tôi làm con nuôi cho nó. Thế là cha con lìa nhau!

Gọi là “con nuôi”, sự thật là đứa ở không công. Gà mới gáy, tôi đã phải dậy quét dọn trong nhà, ngoài sân. Rồi phải lùa đàn trâu đi chăn. Tối về, vội vàng nuốt xong bát cơm nguội độn ngô, lại phải xay lúa, giã gạo đến khuya mới được trèo lên gác chuồng trâu mà ngủ. Làm lút mày lút mặt, mà vẫn bị vợ chồng lão Kỷ đánh chửi luôn.

Hai năm sau, cha chết đói. Không sợ cha bị bắt vạ nữa, tôi bỏ trốn khỏi nhà “cha nuôi”.

Trốn đi đâu bây giờ? Để bói quẻ, tôi nhổ nước bọt vào bàn tay trái, lấy ngón tay phải đập một cái đét! Rồi cứ đi theo hướng nước bọt chỉ. Ban ngày thì vào làng, vào chợ xin ăn. Tối đến thì vào đình, vào chùa nằm ngủ. Tôi đi mãi, đi mãi. Không nhớ đã đi mấy ngày; chỉ nhớ là cố đi cho thật xa nhà lão Kỷ.

Một hôm, tôi ngủ trên vỉa hè một cái nhà nho nhỏ ở thành phố (sau mới biết là thành phố Hồng Quảng). Khuya chợt tỉnh dậy, thì thấy một người đàn ông to lớn, mặt mũi đen sì. Tôi sợ quá. Ông ta tuôn ra một dây câu hỏi: “Mày tên gì, con ai, đi đâu, sao lại ngủ ở đây…?”. Tôi chưa kịp thưa, ông ta đã bảo: “Thôi, đi vào đây. Ngủ ngoài hè, mày chết rét mất”. Vào nhà, ông ta trao cho tôi một cái nong và một chiếc chiếu để ngủ.

Sáng hôm sau, ông Năm (tên ông chủ nhà) bảo tôi đi làm than mà nuôi thân, chớ đi lang thang nữa. Tôi không biết làm than là thế nào, nhưng thấy ông Năm tử tế, tôi cứ nghe lời ông… Mỗi ngày xúc than, đội than từ sáng đến tối, tôi được lĩnh 10 xu. Bữa cơm, bữa cháo, thế cũng tạm đủ. Lại được ông Năm thương tôi như con, tưởng đâu yên thân rồi. Nhưng bọn cai và bọn Tây ở mỏ ác quá. Mình làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thế mà hễ thấy mặt là chúng đánh, đá, chửi mắng.

Làm ở mỏ than khổ quá, tôi lại bỏ trốn. Tôi theo mấy người xuống tàu vào Nam, làm phu đồn điền. Làm ở đồn điền cao su cũng rất vất vả. Cũng cai, cũng Tây, cũng đánh, cũng chửi như ở ngoài mỏ than. Được ít lâu, tôi lại bỏ trốn sang Lào vào làm mỏ thiếc. Trốn khỏi địa chủ thì gặp phải Tây mỏ than. Trốn khỏi mỏ than lại gặp phải Tây đồn điền. Trốn khỏi đồn điền lại gặp phải Tây mỏ thiếc. Khác nào trốn khỏi địa ngục lại rơi vào âm ty!

Cả gan thách sức với trời già,

Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.

Tôi lại trốn khỏi mỏ thiếc, lần mò sang Xiêm. Đến Xiêm, may gặp một nhóm Việt kiều làm thợ mộc. Các bác ấy nhận cho tôi học nghề, và đối với tôi như em út.

Vì kiều bào ta ai cũng tôn trọng luật lệ của Xiêm và làm ăn cần kiệm, cho nên được bà con Xiêm yêu mến, và chính quyền địa phương đối với ta cũng tốt. Nhưng vì trước kia thì thực dân Pháp, ngày nay thì đế quốc Mỹ xúi giục, cho nên Chính phủ Băng Cốc thường ngờ vực kiều bào và đôi khi đã dùng những chính sách cay nghiệt, như ép kiều bào ở tỉnh này rời đi ở tỉnh khác xa lắc xa lơ.

Từ ngày trong nước có “Hội Việt Nam cách mệnh đồng chí”, kiều bào ở Xiêm cũng có “Hội Ái hữu”.

Hội Ái hữu đã nêu lên và thực hiện đúng khẩu hiệu:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Kiều bào một nước phải thương nhau cùng”.

Kiều bào đều đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, đều luôn luôn hướng về Tổ quốc.

Trước những phong trào vĩ đại ở trong nước như Cách mạng Tháng Tám, trường kỳ kháng chiến, và cuộc đấu tranh anh dũng hiện nay của đồng bào miền Nam, kiều bào vừa tự hào, vừa hổ thẹn. Tự hào vì ta thắng bọn giặc cướp nước, người Xiêm không gọi ta là “khôn keo[1] nô lệ” nữa. Hổ thẹn là vì đồng bào trong nước hy sinh xương máu để giành độc lập tự do, mà mình không góp được chút công sức nào cả.

Khi được tin Chính phủ ta và Chính phủ Thái Lan ký giấy đưa Việt kiều về nước, ai nấy đều mừng rỡ như tìm được kho vàng. Bọn Mỹ - Diệm phái người sang đe dọa và mua chuộc, hòng kéo một số kiều bào về Nam. Nhưng không ai thèm đếm xỉa đến chúng.

Ai cũng nóng ruột muốn sớm được về nước. Nhưng ai cũng biết nhường nhịn lẫn nhau và vui vẻ theo cách sắp xếp của Chính phủ ta. Trước ngày về, ai cũng tự hứa hẹn và hứa hẹn với nhau: về nước nhất định sẽ cố gắng lao động cho giỏi, để bù đắp lại công ơn của Tổ quốc và đồng bào. Về đến Tổ quốc, tôi sung sướng không thể tả được. Ngay bây giờ, tôi đang sống như trong một giấc chiêm bao, vì cái gì cũng khác hẳn với ngày trước.

Tàu đến Hải Phòng. Cùng với các kiều bào khác, thằng cu Lam trước kia lăn lóc đến đâu cũng bị đày đọa, thì nay lại được chính quyền, các đoàn thể và hàng vạn đồng bào đón tiếp như đứa con yêu quý từ phương xa về. Tôi đi ngoài phố, không còn thấy gái điếm, ăn mày; không còn thấy bọn culít[2] nghênh ngang và lũ Tây thực dân hung ác. Chỉ thấy đồng bào làm ăn tấp nập, áo quần lành lặn, vẻ mặt vui tươi.

Về đến làng thì làng cũng khác hẳn. Bọn Kỷ và Mỹ đã chết hết rồi. Những “thằng Cu, con Mẹt” lứa tuổi cùng tôi nay đã thành các cụ phụ lão được dân làng kính trọng. Một thế hệ trẻ và khỏe đang trưởng thành. Ruộng đất đã chia cho dân cày. Cả làng có ba hợp tác xã, một trường tiểu học, ba nhà gửi trẻ, một nhà thương con con… Cái làng ngày trước tiêu điều, chỉ có những túp lều xiêu vẹo, thì nay một phần ba là nhà ngói, còn thì đều nhà gỗ xinh xắn đàng hoàng. Nhờ có hợp tác xã, dân làng ai cũng no cơm, ấm áo. Trong làng có cả đội văn công và đội đá bóng của thanh niên. Nhờ cách mạng làng tôi trở nên “Phú hữu” thật sự.

Ngày 2-9, tôi được đi dự lễ Quốc khánh. Đẹp quá, vui quá. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới thấy một biển người, một rừng cờ đỏ sao vàng như vậy. Nhớ lại trước kia, ngày tết Tây, bọn Pháp bày ra những trò chơi bẩn thỉu như đấm nhau, liếm chảo để làm xấu mặt đồng bào ta, tôi còn căm chúng nó.

Sau lễ Quốc khánh, chúng tôi được đi xem Hà Nội. Đảng và Chính phủ thật là tài tình. Mới mấy năm mà đã xây dựng nên hàng dãy lâu đài đồ sộ, nào là nhà máy, nào là trường học, và nhà ở cho cán bộ và công nhân. Tôi rất ngạc nhiên, khi được cán bộ trỏ vào một trường đại học và nói: “Hồi còn lũ Pháp, chỉ có con cháu bọn phong kiến mới được vào đại học. Hiện nay, thì con cháu thợ thuyền, cán bộ và dân cày đều được vào đại học. Như bà Mùi là bần nông, mà bốn người con đều vào đại học”.

Bây giờ tôi tính làm gì? Các đồng chí cán bộ xã bảo tôi đã già rồi, nên nghỉ ngơi cho khỏe. Tôi không đồng ý. Mấy năm làm thợ mộc tằn tiện được ít tiền, tôi góp vào hợp tác xã, gọi là của ít lòng nhiều. Sức còn khỏe, lại khéo tay mộc, tôi sẽ giúp bà con hợp tác xã xây dựng nhà cửa kho tàng.

“Càng già, càng dẻo, càng dai,

So nghề lao động chẳng kém ai trong làng”.

Nghe nói cụ Phạm Quang Tống cũng là Việt kiều mới về nước, cả nhà cụ 7 người đều là lao động tiên tiến hoặc chiến sĩ thi đua. Cụ Tống đã nêu gương cho tôi và cho tất cả kiều bào noi theo, là cần phải lao động thật nhiều để phục vụ Tổ quốc.

CHIẾN SĨ

------------------

Báo Nhân Dân, số 3481, ngày 9-10-1963, tr.2.


[1]. Tiếng Xiêm “khôn keo” là người Việt (TG).

[2]. Culít do tiếng Pháp “police” (cảnh sát) mà ra (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.