Khối Bắc Đại Tây Dương (chữ Anh viết tắt: O.T.A.N) là một mặt trận thống nhất của các nước đế quốc do Mỹ cầm đầu. Nó nhằm mục đích gây chiến tranh với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Tiếng rằng “thống nhất” nhưng nội bộ của ÔTAN ba bè bảy mảng, mâu thuẫn lung tung. Bài này chỉ nêu vài mâu thuẫn lớn.

Về kinh tế: - Chúng tranh giành nhau như đàn thú dữ. Sáu nước Tây Âu, do Tây Đức làm đầu và do Pháp làm đuôi, câu kết thành “khối thị trường chung” [1]. Họ không cho Anh tham dự khối này.

Anh lôi kéo sáu nước khác tổ chức “vùng buôn bán tự do”[2] để chống lại. Vì “vùng” này không lợi cho tư bản độc quyền Mỹ, cho nên Mỹ không hài lòng với chính sách Anh.

Mâu thuẫn này rất gay gắt. Các báo đã gọi nó là “chiến tranh kinh tế” trong mặt trận “thống nhất” ÔTAN.

Về quân sự - Vì cái bóng dáng Điện Biên Phủ đang lù lù hiện ra ở Angiêri, Pháp muốn kéo cả các nước ÔTAN vào biển máu chiến tranh phi nghĩa đó. Các nước ấy không chịu. Pháp rất bực mình, cho nên hồi tháng 3 năm nay, Pháp tuyên bố rằng Pháp không để cho Tổng tư lệnh ÔTAN chỉ huy hải quân của Pháp. Cuộc lục đục bắt đầu và ngày càng trầm trọng.

Thượng tuần tháng 6 trong cuộc hội nghị ÔTAN, đại biểu Pháp tuyên bố thêm: Pháp phải được quyền chỉ huy những tàu bay mang bom nguyên tử (của Mỹ để ở Pháp), và Mỹ cùng Anh phải cho Pháp biết mọi bí mật nguyên tử. Nếu không, thì Pháp không để những tàu bay Mỹ đóng ở Pháp nữa, thậm chí Pháp có thể rút ra khỏi ÔTAN.

Mỹ và Anh trả lời một cách rất cứng rắn, đại ý nói: “Chúng ông đếch cần!”. Thế rồi, Mỹ chuẩn bị rút hơn 200 chiếc tàu bay (mang bom nguyên tử) từ Pháp sang Anh và sang Tây Đức. Anh và Tây Đức thì sẵn sàng đón tiếp những tàu bay ấy. Từ ngày lên cầm quyền, tướng Đờ Gôn lẽo đẽo theo Tây Đức, nay bị Tây Đức chơi xỏ, chắc Đờ Gôn không khỏi xấu hổ và tủi thân!

Về kinh tế và quân sự đã mâu thuẫn nặng nề như vậy, thì về quan hệ chính trị giữa các nước ÔTAN với nhau cố nhiên là:

Miệng ngoài thơn thớt nói cười,

Lòng trong nham hiểm giết người không dao”.

Nội bộ phe đế quốc mâu thuẫn sâu sắc như thế. Phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu thì đoàn kết nhất trí, như anh em một nhà. Cho nên:

Gió Đông thổi bạt gió Tây,

Phe địch ngày càng xuống, phe ta ngày càng lên.

T.L.

----------------------

Báo Nhân Dân, số 1921, ngày 19-6-1959, tr.4.

[1]. “Khối thị trường chung” gồm có sáu nước: Tây Đức, Hà Lan Ý, Bỉ, Lúcxembua và Pháp.

[2]. “Vùng buôn bán tự do” gồm có bảy nước: Anh, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Áo, Bồ Đào Nha.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.