Theo Hiệp định Giơnevơ 1954 về vấn đề Lào, các lực lượng Pathét Lào tập kết vào hai tỉnh Phongxalì và Sầmnưa trong khi chờ một giải pháp chính trị để thống nhất nước Lào. Nhưng sau đó, đế quốc Mỹ và phái thân Mỹ ở Lào đưa ra dư luận Pathét Lào chỉ là một tổ chức do "Việt Minh" tạo ra trước Hội nghị Giơnevơ, không có địa vị hợp pháp, không được quốc tế thừa nhận. Luận điệu đó nằm trong âm mưu của chúng định gạt Pathét Lào ra ngoài cuộc tổng tuyển cử sắp đến, tiến tới phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Lào. Nhưng những lời xuyên tạc của chúng không lừa bịp được ai.

Ai cũng biết Pathét Lào có lịch sử đấu tranh lâu dài từ năm 1945 đến nay. Sự thật đó được thừa nhận trong Hiệp định Giơnevơ 1954 quy định các lực lượng Pathét Lào quản lý hai tỉnh Phongxalì và Sầmnưa và sau khi tập kết sẽ là một bên chính thức tiến hành hiệp thương với chính quyền nhà vua Lào để giải quyết vấn đề chính trị thống nhất nước Lào. Vì thế, từ tháng 1-1955, đại biểu Pathét Lào đã cùng đại biểu chính quyền nhà vua mở hội nghị hiệp thương ở cánh đồng Chum rồi ở Viên Chăn. Ngày 9-10-1955 vừa qua, Hoàng thân Xuphanuvông, lãnh tụ các lực lượng Pathét Lào, lại dẫn đầu một đoàn đại biểu đến Rănggun, Thủ đô Diến Điện, hội đàm với ông Kàtày - Thủ tướng của Chính phủ nhà vua. Sau đó, đã cùng ông Kàtày ký hiệp nghị và ra thông cáo chung. Như vậy không những lịch sử đấu tranh của dân tộc Lào trong 9 năm qua đã chứng minh địa vị xứng đáng của Pathét Lào, mà về mặt pháp lý, Hiệp định Giơnevơ cũng đã thừa nhận địa vị đó trên trường quốc tế.

Bên cạnh việc xuyên tạc địa vị hợp pháp của Pathét Lào để âm mưu dùng quân sự tiêu diệt các lực lượng Pathét Lào đóng ở hai tỉnh, đế quốc Mỹ và tay sai còn gây dư luận vu khống Pathét Lào không thành thật hiệp thương, không tôn trọng Hiệp định Giơnevơ, không muốn hòa bình thống nhất. Nhưng chúng ta ai cũng còn nhớ rằng chính phía quân đội nhà vua từ đầu 1955 đã liên tiếp tấn công các lực lượng Pathét Lào, lấn chiếm dần hai tỉnh Phongxalì, Sầmnưa. Tuy trong Hiệp nghị quân sự 9-3-1955 ký kết giữa các lực lượng chiến đấu Pathét Lào và quân đội nhà vua Lào, họ đã cam kết đình chỉ các hành động đó, nhưng đến nay, họ vẫn không tôn trọng các điều cam kết. Ở Hội nghị hiệp thương chính trị, chính quyền nhà vua luôn luôn đưa ra những yêu sách quá đáng, làm cho hội nghị từ tháng 1-1955 đến nay đã bế tắc đến 6 lần và chưa đi đến thỏa thuận nào. Trong lúc đó, thì phía Pathét Lào ở Hội nghị quân sự, Hội nghị hiệp thương chính trị Viên Chăn cũng như ở cuộc Hội đàm Rănggun đã tỏ rõ thiện ý của mình, sẵn sàng nhân nhượng đến mức có thể để đi đến đình chỉ hẳn các cuộc xung đột quân sự, tiến tới giải quyết thỏa thuận vấn đề thống nhất hòa bình ở Lào bằng tổng tuyển cử có Pathét Lào tham gia đúng như tinh thần của Hiệp nghị Giơnevơ.

Rõ rệt nhất là ngày 17-10-1955 vừa qua, thi hành quyết nghị của cuộc Hội đàm Rănggun, Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng Pathét Lào đã ra lệnh cho quân các đơn vị quân đội của mình đình chỉ xung đột quân sự vào ngày 21-10-1955. Một lần nữa, sự thành thật tôn trọng những điều đã cam kết, nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ, cũng như thiện ý mưu lợi ích tối cao của dân tộc Lào, mưu hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nước Lào đã được các lực lượng Pathét Lào tỏ rõ bằng hành động cụ thể. Sự thật đó đập tan những luận điệu xuyên tạc xảo trá của đế quốc Mỹ và những phần tử thân Mỹ ở Lào.

L.T.

------------

- Báo Nhân Dân, số 597, ngày 21-10-1955, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.169-171.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.