39 lợn và 7 trâu chết vì ... “liên hoan”

Hai xã Đoàn KếtNgô Quyền (Thanh Miện) đã giết trái phép nhiều lợn và trâu dùng vào việc ăn uống “liên hoan” và mừng “xôi mới”.

Xã Đoàn Kết, trong vòng hơn một tháng đã lạm sát tới 39 con lợn:

- Ngày 23-10, ở thôn Bùi Xá, họp phụ lão giết một con; thôn Từ Xá giết bốn con; thôn Châu Quan giết bốn con để mừng “xôi mới”.

- Ngày 27-10, cán bộ xã họp vẻn vẹn chỉ có 15 người cũng giết một con. Hai ngày sau, đội văn nghệ “liên hoan” lại giết một con, rồi tiếp đến ngày 30-10 giết một con lợn khao ban quản trị đi thăm đồng định sản lượng vụ mùa (!).

- Thôn Tòng Hóa, ngoài việc giết 20 lợn, mỗi con khoảng 30 kilôgam hồi rằm tháng Bảy, ngày 28-10 cũng lại giết bốn con.

Đó là chưa kể các tiết thanh minh, ngày mồng năm tháng Năm, mỗi đội sản xuất ít ra cũng giết một con. Thậm chí, có cán bộ chủ chốt hợp tác xã, gia đình có việc cũng giết luôn một lợn.

Tại xã Ngô Quyền, ngoài lợn, thời gian qua đã giết cả thảy bảy trâu, trong đó năm con đem thui, không lột da bán cho Nhà nước.

Việc lạm sát lợn của xã Đoàn Kết và thui trâu ở xã Ngô Quyền trái với Chỉ thị 83 và 305 của Nhà nước về quản lý thực phẩm, không làm trọn nghĩa vụ đóng góp thực phẩm cho Nhà nước.

Một ngày giết 52 con lợn

Cuối tháng 10 vừa qua, xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà) đã tự động giết 52 con lợn to dùng vào việc ăn uống, tiễn đội cải tiến lên đường.

(Trích báo Hải Dương mới, 7-12 và 10-12-1966)

93 vụ chi, 39 vụ ăn

Nghe 93 vụ chi trong đó có 39 vụ ăn mà người ta mệnh danh là “liên hoan” ấy, hẳn khối người ngạc nhiên.

Thưa rằng: Đấy là câu chuyện có thật ở Hợp tác xã H. (Tiên Lãng). Thôi thì đủ cách liên hoan: tổng kết đội sản xuất, tổng kết vụ mùa ở hợp tác xã, rồi nào tổ khoa học, kỹ thuật, Chi đoàn thanh niên, dân quân... Thế rồi, cuối cùng có cái tổng kết mà ai cũng giãy lên như phải bỏng, đó là chi phí sản xuất. Như Hợp tác xã H. chẳng hạn, chi phí sản xuất chiếm 60%. Gọi là chi phí sản xuất chứ nào có chi cho sản xuất, cho thâm canh bao nhiêu đâu, mà chi cho ngoài sản xuất lại nhiều. Hợp tác xã H. có hơn 100 vụ chi, thì 93 vụ chi sai nguyên tắc, trong đó có 39 vụ ăn uống mất đứt đi 925 đồng. Xin trích ra đây một vài vụ chi:

- Liên hoan duyệt 11 biểu mẫu thống kê sản xuất: 92 đồng.

- Liên hoan khánh thành vườn ương: 48 đồng.

- Liên hoan với cán bộ cải tiến quản lý (một người): 89 đồng 36.

- Liên hoan hội nghị phụ nữ: 94 đồng 80.

- Liên hoan hội nghị lão thành: 26 đồng.

- v.v..

Cứ như đà này, nhân dịp được mùa, Hợp tác xã H. còn bao nhiêu vụ liên hoan nữa. Dễ thường bước vào sản xuất Đông - Xuân, sau “liên hoan” mùa rồi liên hoan “xuống cày”, “xuống bừa”, “xuống đồng”, “xuống bèo”, v.v. chăng? Và kiểu này thì chi phí sản xuất hẳn phải lên đến 70 - 80% và như vậy thì:

Nhẹ làm mà lại nặng chi,

Một mai rồi biết lấy gì mà xơi.

(Trích báo Hải Phòng, 2-12-1966)

Xin hỏi các đồng chí Tỉnh ủy Hải Dương và Thành ủy Hải Phòng cùng các đồng chí Huyện ủy Thanh Miện, Thanh Hà và Tiên Lãng có biết những việc này không?

CHIẾN SĨ

--------------------------

- Báo Nhân Dân, số 4641, ngày 22-12-1966, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.15, tr.218-220.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.