Đó là nhiệm vụ riêng của mỗi người và nhiệm vụ chung của toàn thể nhân dân.

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải lao động tốt. Muốn lao động tốt thì phải có sức khỏe. Muốn có sức khỏe thì phải giữ gìn vệ sinh, tức là phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch để khỏi ốm đau.

So với ngày trước, thì công việc vệ sinh hiện nay của chúng ta có tiến bộ nhiều. Nhưng các nông thôn và thành thị, các nhà máy, trường học và rạp hát, các tiệm ăn uống và nhà ở công cộng... cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, mới đạt mức yêu cầu vệ sinh.

Tục ngữ có câu "Bệnh tòng khẩu nhập", cho nên bài này chỉ nói về vấn đề ăn.

Thức ăn do các nhà hàng cung cấp (hàng Mậu dịch và các hàng khác). Một số hàng vệ sinh khá, song nhiều hàng thì vệ sinh còn rất kém. Vài thí dụ:

- Hàng thịt đôi khi bán cả thịt lợn ôi, thịt bò có sán. Không có màn che bụi, che ruồi cho thịt. Dao và bàn cắt thịt không sạch sẽ. Một đôi người có bệnh truyền nhiễm vẫn làm nhân viên bán thịt.

- Cá mắm. Xưởng làm nước mắm (như Phú Viên) rất kém vệ sinh, có nhiều ruồi bọ. Cá biển khi đã ươn cũng đưa bán cho nhân dân.

- Bánh kẹo. Nơi sản xuất thì để ruồi nhặng và cát bụi hoành hành. Nơi bán thì ít lau chùi quét dọn. Người bán thì lấy tay bốc kẹo, bốc bánh!

- Hàng ăn uống. Đũa bát thì rửa qua loa mà không luộc nước sôi. Bàn ghế thì ít lau chùi, kém sạch sẽ. Nhà cửa thì rác rưởi bê tha. Thức ăn thì có khi đã ôi cũng bán cho khách. Những người phục vụ thì áo choàng, khăn choàng trắng đã bẩn và biến thành màu cháo lòng (như cửa hàng Ga Hàng Cỏ).

Có những khuyết điểm ấy là vì:

- Những người làm và người bán các thức ăn uống đã khinh thường sức khỏe của đồng bào.

- Những cơ quan có trách nhiệm (trước hết là cơ quan y tế) thiếu giáo dục, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; và luật lệ vệ sinh không được thi hành một cách nghiêm chỉnh và liên tục.

- Khách ăn uống thì thiếu phê bình thẳng thắn những hàng quán bẩn thỉu, kém vệ sinh.

Vừa rồi có cuộc hội nghị chung giữa hai ngành y tế và mậu dịch để phê bình và tự phê bình. Đó là một bước tiến. Mong rằng những khuyết điểm sẽ được sửa chữa tận gốc, những ưu điểm sẽ được phát huy; công việc vệ sinh sẽ được cải tiến nhiều và sức khỏe của nhân dân được giữ gìn tốt.

T.L.

----------

- Báo Nhân Dân, số 2288, ngày 24-6-1960, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.610-611.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.