Người thường ai cũng có cái ví đựng tiền. Nhà nào cũng có cửa, có buồng, có hòm, có khoá, để phòng ngừa kẻ gian giảo, để giữ gìn của cải do mình khó nhọc làm ra.

Giữ nhà phải cẩn thận như vậy. Giữ nước càng phải cẩn thận hơn. Những văn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, các đoàn thể.

Muốn phá hoại ta về mọi mặt, kẻ địch dùng mọi thủ đoạn đê hèn để đánh cắp văn kiện bí mật của ta về chính trị, kinh tế, quốc phòng, v.v.. Khẩu hiệu của kẻ địch là:

"Lấy được bất kỳ tình báo gì và dù là chút ít, cũng là quý".

Nói chung, cán bộ ta được những năm kháng chiến huấn luyện, đã biết giữ bí mật. Nhưng cũng còn nhiều cán bộ lơ là và xem nhẹ việc ấy. Nhiều cán bộ còn phạm khuyết điểm:

- Không cẩn thận trong việc viết, in, gửi, quản lý và kiểm tra văn kiện bí mật.

- Mang văn kiện bí mật về nhà xem. Xem văn kiện bí mật ở chỗ đông người. Ghi chép những việc bí mật vào sổ tay thường của mình.

- Hay ba hoa, đưa việc bí mật nói với vợ con, bầu bạn...

- Ở quán cơm, rạp hát, công viên, tiệm hớt tóc... cũng đưa việc trong cơ quan ra nói.

- Khi viết thư riêng, hoặc viết bài cho báo chí, cũng nói đến việc bí mật...

Như thế là các cán bộ đó đã vô tình mà giúp cho địch.

Cũng có một số ít người, vì lập trường không vững, chí khí ươn hèn, bị tiền tài, ăn uống, gái đẹp quyến rũ, mà sa vào cạm bẫy của địch, tiết lộ bí mật cho địch.

Cơ quan đặc vụ Mỹ-Diệm đã chỉ thị cho lũ tay sai của chúng: "Tìm làm quen với những cán bộ ham ăn chơi, ham tiêu xài, ham gái đẹp. Cho họ vay tiền, uống rượu, chơi gái. Làm cho họ say mê, mắc nợ, rồi đưa họ vào tròng".

Giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch. Đó là một vấn đề chính trị quan trọng. Chính phủ ta đã có pháp luật về việc ấy. Các cơ quan và các đoàn thể cần phải xem trọng giáo dục, nghiêm chỉnh chấp hành và thường xuyên kiểm tra việc ấy.

Cũng như mọi công việc khác, việc phòng gian bảo mật cần phải dựa vào lòng yêu nước và lực lượng của nhân dân. Chúng ta phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu thấu, để nhân dân giúp sức vào công việc này.

C.B.

---------

- Báo Nhân Dân, số 700, ngày 1-2-1956, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.262-263.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.