Năm 1959, phần lớn xí nghiệp và công trường đã hoàn thành kế hoạch.

Xí nghiệp nào và công trường nào thông suốt chủ trương của Đảng và của Chính phủ, và quyết tâm thực hiện tốt cuộc phát động cải tiến quản lý xí nghiệp thì chẳng những hoàn thành mà còn hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Song những thành tích đó chỉ mới là bước đầu. Để không ngừng nâng cao năng suất lao động; tiết kiệm sức người, sức máy và nguyên liệu vật liệu; không ngừng nâng cao chất lượng và hạ giá thành - chúng ta phải không ngừng cải tiến quản lý xí nghiệp. Để phát huy những thành tích và kinh nghiệm của cuộc cải tiến quản lý xí nghiệp năm ngoái thì cần phải làm mấy việc sau đây:

- Các Đảng ủy phải ra sức tăng cường lãnh đạo công việc sản xuất và xây dựng để quyết định chủ trương và biện pháp cho đúng.

Đảng bộ xí nghiệp phải thật sự đoàn kết nội bộ, đoàn kết quần chúng.

- Cán bộ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phải đi sát với quần chúng, đi sát mọi công việc. Phải giáo dục quần chúng, phải học tập sáng kiến và kinh nghiệm của quần chúng để cải tiến tổ chức và kỹ thuật. Phải kiên quyết chống tai nạn lao động. Phải tìm mọi khả năng để cải thiện đời sống của công nhân.

Cán bộ phải thật sự tham gia lao động sản xuất.

- Công nhân phải thiết thực tham gia quản lý. Phải củng cố tổ sản xuất để phát huy vai trò làm chủ của công nhân, và đảm bảo hoàn thành kế hoạch của Nhà nước. Nếu các tổ sản xuất đều hoàn thành kế hoạch một cách nhiều, nhanh, tốt, rẻ, thì cả xí nghiệp nhất định hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.

Cần tổng kết và phổ biến kinh nghiệm của những tổ sản xuất tiên tiến để giúp các tổ kém cũng trở thành tổ giỏi.

- Tổ chức Đảng phải là hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết quần chúng.

Công đoàn phải là đòn xeo vững chắc xây dựng xí nghiệp và công trường.

Đoàn Thanh niên Lao động phải là đầu tàu và cánh tay đắc lực của Đảng trong sản xuất và xây dựng.

- Mỗi xí nghiệp cần phải có kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ và công nhân có trình độ văn hóa và kỹ thuật khá.

Muốn làm chủ xí nghiệp thì phải làm chủ máy móc. Vì vậy cán bộ và công nhân phải ra sức học tập các đồng chí chuyên gia. Cán bộ kỹ thuật phải dìu dắt anh em thợ. Thợ giỏi phải dìu dắt thợ kém. Thợ kém phải cố gắng học để trở thành thợ giỏi.

Xí nghiệp và công trường phải là nơi đào tạo cán bộ công nghiệp.

- Các tổ sản xuất phải là những cơ sở đẩy mạnh thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.

Phong trào thi đua phải liên tục, bền bỉ, thiết thực. Phải tránh cái lối "đầu năm đủng đỉnh la đà, cuối năm dốc kiệt sức ra làm bù".

- Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải gương mẫu trong mọi việc. Công nhân phải thật sự xứng đáng là người chủ xí nghiệp, người chủ nước nhà.

Anh em Liên Xô có hàng chục vạn đội "Lao động cộng sản chủ nghĩa". Anh em Trung Quốc hoàn thành kế hoạch 5 năm trước thời hạn 3 năm, anh em Triều Tiên - trước thời hạn 2 năm rưỡi. Cán bộ và công nhân Việt Nam ta cần phải noi gương anh hùng ấy mà cố gắng tiến lên!

TRẦN LỰC

-----------------------

- Báo Nhân Dân, số 2161, ngày 17-2-1960, tr. 1, 6.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.477-479.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.