Lúa mùa khá tốt. Nay đã có đòng. Có nhiều hy vọng một vụ mùa thắng lợi.

Nhưng “càng gần thắng lợi thì càng nhiều khó khăn”. Giặc hạn đang âm mưu phá hoại vụ mùa của ta.

Nhiều nơi đồng bào dũng cảm phản công giặc hạn và đã thu được thắng lợi bước đầu. Ví dụ:

Hà Bắc đã nêu quyết tâm diệt hạn trong 10 ngày và không để hạn trở lại.

Thái Bình đã ra sức tát nước suốt ngày đêm và cứu được nhiều vùng lúa bị hạn.

Quảng Ninh trong một tuần qua, đồng bào và cán bộ đã dùng hơn 7 vạn công tát nước cứu lúa. Nhiều nơi đã khơi thêm mương, đào thêm giếng, để lấy nước tưới. Những nơi ruộng cao, không tát được, đồng bào tổ chức gánh nước tưới từng gốc lúa. Các đồng chí lãnh đạo cùng cán bộ tỉnh và huyện chia nhau về các xã để chỉ đạo và tham gia chống hạn. Các xí nghiệp thì cử công nhân về giúp bà con nông dân. Kết quả là mới trong mấy ngày phấn đấu đã thắng giặc hạn trên 6.000 hécta.

Đó là những nơi cán bộ từ tỉnh đến huyện và xã cùng đồng bào đều có quyết tâm “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”.

Tuy vậy, vẫn có một số địa phương còn tư tưởng bi quan, ỷ lại, ngồi chờ trời mưa, chờ máy bơm, v.v.. Như vậy là không tốt. Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cần phải lập tức động viên toàn dân đưa toàn lực ra chống hạn, cứu lúa. Đó là một trong những nhiệm vụ trung tâm, cấp bách, đột xuất trong lúc này. Quyết chớ để một cây lúa thiếu nước!

Cũng như trong mọi công việc cách mạng, công việc chống hạn, cứu lúa phải do tất cả đảng viên, đoàn viên, dân quân và thanh niên xung phong là lực lượng chủ chốt, là đầu tàu để lôi cuốn toàn thể nông dân làm theo. Phải nhớ rằng: “Thêm một gàu nước mát sẽ là thêm một bát cơm vàng”. Đánh thắng giặc hạn tức là bảo đảm quân và dân ta ăn no, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

T.L.

-------------------

- Báo Nhân Dân, số 4567, ngày 9-10-1966, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.15, tr.165-166.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.