Một cuộc đấu tranh quyết liệt - nhất là về mặt kinh tế - đang tiến hành giữa địch và ta.

Với quyết tâm tự lực cánh sinh của mình và sự giúp đỡ vô tư của các nước bạn, chúng ta đang ra sức khôi phục kinh tế, nhằm cải thiện dần đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta.

Với âm mưu chia cắt đất nước ta và nô dịch đồng bào ta, địch dùng mọi thủ đoạn thâm độc để phá hoại ta về mọi mặt. Vài thí dụ chúng phá hoại thế nào:

- Mỏ than Cẩm Phả là một bộ phận rất quan trọng cho kinh tế của ta. Hàng vạn công nhân và gia đình nhờ nghề đào than mà sống. Trước khi rút lui, địch đã cài lại những tên phá hoại. "Đốc công" Phan Năm là một trong những tên đó. Nó đã tìm đủ cách để phá hoại máy móc, phá hoại sản xuất, làm hại công nhân.

- Một cách phá hoại khác: Tô Văn Dã và Nguyễn Mạnh Tê là nhân viên cao cấp trong Ty Công chính thành phố Nam Định. Chúng đã dùng cách mua đắt, bán rẻ, khai gian, làm dối, thông đồng với những chủ thầu xấu, tham ô hàng triệu đồng của Chính phủ và của nhân dân ta.

Trong hai vụ này cũng như những vụ khác, vì cán bộ cấp trên mắc bệnh quan liêu, xa thực tế, xa quần chúng, cho nên bọn phản động có thể chui vào các xí nghiệp và các cơ quan để phá hoại.

Nhờ công nhân cảnh giác mà ngăn ngừa và tẩy trừ được bọn phá hoại. Trước tòa án, tên chó săn Phan Năm đã phải thú rằng: "Trong thời gian hoạt động phá hoại, tôi rất sợ công nhân, vì bây giờ công nhân là chủ hầm mỏ, là tai mắt của Chính phủ...".

Dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa, giai cấp công nhân là chủ các xí nghiệp, nông dân lao động là chủ ruộng đất. Là người chủ nước nhà, công và nông cần phải thi đua sản xuất để tạo điều kiện nâng cao dần đời sống của nhân dân. Đồng thời phải luôn luôn cảnh giác, để trừng trị bọn phá hoại, để bảo vệ tài sản và hạnh phúc của mình và của toàn dân.

Cán bộ thì phải dựa hẳn vào quần chúng công nông, làm đúng chính sách của Đảng và của Chính phủ. Đó là phương pháp để đập tan mọi âm mưu của kẻ thù.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 652, ngày 15-12-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.204-205.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.