Vừa qua, trên thế giới nhiều nơi đã bị nạn bão lụt. Ví dụ:
Ở Mỹ, vào đầu tháng 7 vì mưa to, nước sông Mítxuri dâng lên mau chóng và dữ tợn. Ở vùng gần sông nhiều ruộng vườn bị ngập lụt, nhiều nhà cửa và người đã bị nước cuốn đi.
Ở nước Đại Hồi[1], lụt đã gây ra nhiều tổn thất về nhà cửa, mùa màng và súc vật.
Ở Nam Tư, tại vùng sông Đanuýp, lụt đã tràn đến cả miền Trung, miền Đông và miền Nam, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập lụt. Hơn 30.000 hécta cây lương thực bị mất sạch, v.v..
Ở nước ta, vừa rồi cũng bị hai cơn bão số 3 và số 4 đe dọa, cũng may là khi vào đến bờ nước ta, hai cơn bão đều lắng xuống, không gây thiệt hại gì. Nhưng tiếp sau cơn bão số 4 thì có mưa to. Trên nhiều con sông, nước đã lên cao nhanh chóng.
Theo dự đoán, thì mùa thu này sẽ có những trận bão lụt đột ngột.
Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng mọi việc để phòng bão, chống lụt.
Các ủy ban phòng và chống bão lụt ở trung ương, tỉnh, huyện và xã phải có kế hoạch thật chu đáo, phân công thật rõ ràng, kiểm tra thật kỹ lưỡng.
Nhân dân các địa phương phải tập dượt cho thành thạo việc chống lụt, phải canh gác cẩn thận đê điều.
Các hợp tác xã và các nông hộ cần phải chuẩn bị sẵn sàng các thứ cần thiết, nhất là thuyền, bè.
Người xưa có câu "Thủy, hỏa, đạo, tặc". Nghĩa là phải đề phòng lụt như đề phòng giặc. Chúng ta kịp thời chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng, thì dù bão lụt to mấy cũng không sợ.
Tuyệt đối không nên chờ "nước đến chân mới nhảy".
Các chi bộ đảng và chi đoàn thanh niên có nhiệm vụ là phải làm tốt việc đôn đốc và giúp đỡ thực hiện chuẩn bị phòng và chống bão lụt ở thôn xóm mình.
T.L.
---------------------
- Báo Nhân Dân, số 4133, ngày 28-7-1965, tr.1.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.14, tr.585-586.[1]. Nước Pakixtan (BT).