Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Hiến pháp và pháp luật1 của nước ta đã quy định rõ điều đó. Ví dụ:

Hiến pháp điều 24 nói: Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.

Luật Hôn nhân và gia đình, điều 1 nói: Nhà nước đảm bảo... nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ...

Điều 12 nói: Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt.

Điều 3 nói: Cấm... đánh đập hoặc ngược đãi vợ.

Thế nhưng hiện nay vẫn có những người chồng đối xử rất tệ với vợ, ngay ở Hà Nội "nghìn năm văn vật" cũng vậy. Vài ví dụ:

Ở Lương Yên (Hà Nội) trong 196 gia đình, thì có 26 người chồng thường đánh mắng vợ, có người đánh vợ bị thương. Ở khu Hai Bà Trưng, có người chỉ vì thức ăn không vừa ý, đã hất cả mâm cơm vào mặt vợ. Có người vợ ốm, chồng để mặc, không săn sóc trông nom.

Ở xã Quảng Lưu (Thanh Hóa), có người nhét tro vào miệng vợ và đánh vợ què tay. Có người cạo trọc đầu và lột hết áo quần vợ, rồi giong vợ đi bêu khắp thôn xóm... (xem báo Nhân Dân, 20-10-1960).

Những cử chỉ tàn nhẫn dã man như vậy vừa là phạm pháp luật Nhà nước, vừa trái với tình nghĩa vợ chồng.

*
**

Luật Hôn nhân và gia đình đã định rõ: Cấm tảo hôn (điều 3). Con gái từ 18 tuổi trở lên, con trai từ 20 tuổi trở lên mới được kết hôn (điều 6). Khi hai bên vợ chồng tự nguyện ly hôn, thì tòa án nhân dân sẽ công nhận việc ly hôn ấy (điều 25). Điều 3 cũng nói: Cấm cản trở hôn nhân tự do.

Thế nhưng ở xã Nghĩa Tân (Nam Định), nhà thờ đã làm phép cưới cho trẻ con mới 14 tuổi và trong một thời gian ngắn đã có 16 đám tảo hôn. Đồng thời, nhà thờ cấm người bên giáo lấy người bên lương, cấm ly hôn.

Như thế là trái với Hiến pháp và phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Ở xóm Lưu Thắng (xã Quảng Lưu, Thanh Hóa), có em gái mới 4 tuổi mà cha mẹ đã định đến cuối năm nay sẽ cho cưới! Như thế là vừa làm trái pháp luật, vừa hy sinh hạnh phúc của con mình.

*
*     *

Để thật sự bảo vệ quyền lợi của phụ nữ thì:

- Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phải phụ trách tuyên truyền và giáo dục một cách rộng khắp và bền bỉ cho mỗi gia đình hiểu rõ pháp luật Nhà nước và thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa về vấn đề ấy.

- Bà con trong làng xóm và trong hàng phố cần phải có trách nhiệm ngăn ngừa, không để những việc phạm pháp như vậy xảy ra.

- Bản thân chị em phụ nữ phải có chí tự cường tự lập, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.

- Đối với những người đã được giáo dục khuyên răn mà vẫn không sửa đổi, thì chính quyền cần phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm chỉnh. Điều 34 trong Luật hôn nhân và gia đình đã quy định: "Những hành vi trái với luật này sẽ bị xử lý theo pháp luật". Nói tóm lại, giáo dục phải đi đôi với kỷ luật.

T.L.

----------

- Báo Nhân Dân, số 2409, ngày 23-10-1960, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.705-707.


1. Nguyên văn là phép luật (BT)

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.