Nhân dân ta đã tiến bộ nhiều. Không những trong các cuộc hội họp, quần chúng đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình, mà nhiều khi còn gửi thư cho các báo, cơ quan và đoàn thể, hoặc thành khẩn phê bình và tự phê bình hoặc nêu những đề nghị thiết thực.

Đó là một điều rất tốt: Nó làm cho nhân dân càng gần gũi và càng tin tưởng đoàn thể và chính quyền. Nó làm cho đoàn thể và chính quyền càng hiểu thấu nguyện vọng của quần chúng, càng thấy rõ những thiếu sót của mình để sửa chữa. Nó làm cho chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ. Nó càng chứng tỏ chế độ của ta là thật sự dân chủ.

Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng. Những cán bộ (hoặc cơ quan, đoàn thể) được phê bình cần phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa. Nếu lời phê bình có chỗ không thật đúng, thì phải giải thích rõ ràng cho quần chúng hiểu. Nhưng dù phê bình đúng cả hay là chỉ đúng một phần nào, chúng ta cũng cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình. Tuyệt đối không được áp bức phê bình. Chúng ta phải nhớ rằng cán bộ đoàn thể cũng như chính quyền, từ trên đến dưới, đều là đày tớ của nhân dân, phải xem trọng ý kiến của nhân dân. Nhiều cán bộ ta cố gắng làm đúng như thế.

Nhưng vẫn có nhiều cán bộ không làm đúng như vậy. Vài thí dụ:

Các báo thường đăng lời phê bình của nhân dân. Nhưng nhiều khi như "nước đổ đầu vịt", cán bộ cơ quan và đoàn thể được phê bình cứ im hơi lặng tiếng, không tự kiểm điểm, không đăng báo tự phê bình và hứa sửa chữa.

Thậm chí có cán bộ địa phương đã tự tiện bóc thư cấp trên gửi cho nhân dân, dùng dằng trao thư ấy cho nhân dân một cách chậm trễ, hoặc không trao mà cán bộ tự viết trả lời cho cấp trên (như Ủy ban hành chính xã Đồng Minh, Nam Định). Có cán bộ đã dọa nạt nhân dân vì họ đã gửi thư cho cấp trên (như Phó Chủ tịch xã Xuân Yên, Hà Tĩnh).

Làm như vậy, các đồng chí ấy đã phạm kỷ luật: Một là bóc thư riêng của người khác; hai là bưng bít tai mắt cấp trên, bịt mồm bịt miệng quần chúng. Sai lầm ấy phải được chấm dứt.

Một điểm nữa cần nói: Phê bình và đề nghị là quyền dân chủ của mọi công dân. Khi gửi thư cần suy xét kỹ lưỡng, bày tỏ thật thà, viết tên họ và địa điểm rõ ràng, thì cơ quan nhận được thư mới có thể điều tra, nghiên cứu. Thư mà không có tên họ và địa điểm là không có giá trị gì.

Nói tóm lại, cán bộ, cơ quan và đoàn thể cần thật sự xem trọng ý kiến của quần chúng nhân dân.

C.B.

---------

- Báo Nhân Dân, số 900, ngày 21-8-1956, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.414-415.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.