Chính phủ phản động Pháp là tôi tớ ngoan ngoãn của đế quốc Mỹ. Song vì Mỹ đối đãi quá tệ, nên giữa tớ và thầy có chuyện lủng củng.

Trong một cuộc hội nghị (2-1952) giữa Mỹ và bè lũ cầm quyền phản động ở Tây Âu, Mỹ bảo Pháp: "Nếu Pháp ký kết cam đoan tổ chức xong 12 sư đoàn trong năm 1952, tán thành vũ trang lại Tây Đức, hoan nghênh tổng tư lệnh quân đội khối Đại Tây Dương, thẳng tay đàn áp Đảng Cộng sản Pháp, thì Mỹ sẽ đặt cho Pháp làm 600 triệu đôla vũ khí". Phần vì chiến tranh ở Việt Nam đã làm cho Pháp chết nhiều người, tốn nhiều của, phần vì "máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê", nên Pháp cứ cắm đầu ký, và đã được lĩnh trước 180 triệu của Mỹ. Tưởng bở, Pháp hí hửng mở thêm nhiều nhà máy, mộ thêm nhiều công nhân, và chia trước 600 triệu cho các nhà tư bản.

Nhưng ngoài việc tán thành vũ trang lại Tây Đức, thì Pháp bị luôn mấy keo thất bại nặng trong khi thi hành những điều đã cam kết với Mỹ. Pháp loay hoay mãi, không sao tổ chức được 12 sư đoàn, vì thiếu tiền, thiếu lính, thiếu cán bộ và bị nhân dân Pháp phản đối kịch liệt. Khi tướng Mỹ Rítuây đến Pháp, thì nhân dân Pháp "hoan nghênh" nó rất sôi nổi, bằng cách đồng thanh hô to khẩu hiệu "Tướng ôn dịch, cút ngay về Mỹ!". Chính phủ Pháp đã bắt giam Bí thư Đảng Cộng sản Pháp là đồng chí Đuycơlô và hai đồng chí ủy viên trung ương của Đảng là Stin và Côlôngbini. Nhưng vì nhân dân Pháp và lao động thế giới cực lực phản đối, nên lại phải trả lại tự do cho các đồng chí đó.

Bị mấy cái tát đau ấy vào giữa mặt, Mỹ tức lắm, liền tát lại Pháp: không đặt cho Pháp làm vũ khí nữa! Bọn tư bản Pháp đang "hăm hở" mở rộng kinh doanh, bị một vố đau. Mỹ lại còn dọa sẽ "bênh vực" Marốc và Tuynidi là hai thuộc địa đang chống Pháp. Vừa rồi, trong vụ Pháp - Mỹ kiện nhau về vấn đề Marốc ở tòa án La Hay (La Haye), Mỹ lại đánh cho Pháp một đòn nặng.

Pháp cố nhiên rất tức Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nói: "Thế này thì Pháp phải xét lại toàn bộ chính sách Đại Tây Dương, và Pháp phải có một chính sách cứng rắn(!?) đối với Mỹ". Một số chính khách và tư bản Pháp ủng hộ y. Nhưng hôm sau, Thủ tướng Pháp vì sợ Mỹ trù, liền tuyên bố: "Pháp sẽ làm trọn nhiệm vụ đã ký kết với Mỹ". Thế là nội bộ Chính phủ Pháp thêm lục đục. Chắc rằng rồi đây Chính phủ Pháp sẽ gặp thêm nhiều khó khăn mới do tình trạng lục đục nội bộ đó gây ra.

Vô luận thế nào, kế hoạch binh bị của Mỹ ở Tây Âu đã thất bại rõ ràng. Hôm 15-8, Tổng tham mưu trưởng Mỹ đã phải than thở: "Các nước Tây Âu hứa cuối năm nay sẽ có 50 sư đoàn 2.500 máy bay. Nhưng may lắm cũng chỉ có chừng 35 sư đoàn 1.500 máy bay thôi!".

Cụ Khổng Tử có nói: "Người quân tử (như phe hòa bình dân chủ) vì nghĩa mà đoàn kết. Lũ tiểu nhân (như phe đế quốc gây chiến) vì lợi mà chia rẽ". Mà chia rẽ thì nhất định thất bại, đoàn kết thì nhất định thành công. Cho nên phe hòa bình dân chủ do Liên Xô lãnh đạo nhất định thắng phe đế quốc gây chiến do Mỹ cầm đầu.

C.B.

----------

Báo Nhân Dân, số 73, ngày 11-9-1952, tr. 4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.