Vì bị Mỹ trắng trợn lấn ép, mà ngay cả những nước phe Mỹ cũng phải chống Mỹ. Vài thí dụ:

- Anh: Trong phiên họp 16-6, Liên đoàn toàn quốc các chủ sản xuất xe cộ ở Anh đã đòi tất cả quân đội Mỹ hiện đóng ở Anh phải rút khỏi nước Anh, và đòi Mỹ trả lại các trường bay mà Mỹ đang dùng trên đất Anh.

- Ca-na-đa: Hôm vừa rồi, viên Chủ tịch đảng bảo thủ CA nói: “Chúng ta quyết không để cho Mỹ coi chúng ta như một tỉnh của Mỹ… Và phải hạn chế tài sản máu mủ của chúng ta đang làm giàu cho Mỹ…”. Tổng công đoàn CA tuyên bố: Tư bản Mỹ chiếm hầu hết các mỏ kim khí và mỏ dầu hỏa ở CA. Họ đã vơ vét những món lãi kếch sù đưa về Mỹ. Từ năm 1952, Mỹ đã mua nhiều hầm mỏ CA với một giá quá rẻ. Năm 1953, Mỹ chiếm 55% công nghiệp nặng và 43% công nghiệp nhẹ ở CA. Mỹ làm giàu ở CA, nhưng ngăn cấm CA bán nông sản sang Mỹ, thành thử nông dân CA bị thiệt hại nhiều. Cùng làm ở xí nghiệp Mỹ, mà lương công nhân CA ít hơn lương bổng công nhân Mỹ.

Vì những lẽ đó, công nhân, nông dân và các tổ chức CA đều chống Mỹ.

- Phi-líp-pin: Hôm 25-5, Quốc hội Phi đòi xét lại hiệp định Phi đã ký với Mỹ năm 1950, vì “hiệp định ấy không công bằng, không lợi cho Phi, việc gì Mỹ không đồng ý thì Phi được làm. Từ năm 1951 đến 1955, Mỹ cho vay 99 triệu đô-la, Phi xuất thêm hơn 110 triệu để xây dựng. Nhưng các công trình ấy đều nhằm mục đích giữ Phi mãi mãi trong kinh tế nông nghiệp. Công nghiệp gì có thể cạnh tranh với hàng hóa Mỹ, đều bị Mỹ ngăn cản không cho Phi làm”.

- Thái Lan: Vì được Mỹ “giúp”, mà từ 1952 đến 1955, tổng ngân sách Thái đã thiếu hụt 3.230 triệu bạt (đồng bạc Thái) và hơn 70% vườn cao su phải đóng cửa. Năm 1955, Mỹ “giúp” Thái 40 triệu đô-la, nhưng Thái phải tiêu mất hơn nửa cho quân đội và nhân dân Mỹ ở Thái. Vì vậy, các báo chí và chính đảng Thái đều công kích Mỹ, như:

Hôm 4-6, một cựu bộ trưởng Thái nói: “Viện trợ Mỹ là nguồn gốc làm cho Thái cơ cực”.

Hôm 5-6, viên thư ký của một chính đảng, công khai nói: “Mỹ không thân thiện gì với Thái, mà chỉ nhằm vơ vét tài sản của Thái thôi”.

- Miền Nam: Chính quyền Ngô Đình Diệm cũng vì được Mỹ “giúp”, mà trong 10 tháng gần đây giá cao su từ 46 đồng một ki-lô sụt xuống 16 đồng. Trong 3 tháng đầu năm 1956, miền Nam nhập khẩu 1.963 triệu đồng, mà xuất khẩu chỉ có 446 triệu đồng. Ngành dệt và các ngành khác cũng bị bế tắc. Hàng vạn công nhân bị thất nghiệp. Các báo chí và các nhà tư sản miền Nam cũng bắt đầu than phiền Mỹ, như: “Hàng nước ngoài (tức là Mỹ và phe Mỹ) tràn ngập thị trường… Chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế dân tộc”…

Mỹ quen “giúp một, lột mười”
Tham ăn, mắc họng, để người cười chê.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 842, ngày 24-6-1956, tr.2

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.