Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của hợp tác xã Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót 1.000 hợp tác xã nhận thi đua: Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong.

Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta. Tỉnh nào cũng có một số hợp tác xã tiến rất khá. Nhưng vì phong trào mới mẻ, nơi này hoặc nơi kia không tránh khỏi thiếu sót này hoặc thiếu sót khác cần phải sửa chữa để tiến bộ tốt. Vài thí dụ:

- Có hợp tác xã chỉ lo tăng diện tích, nhưng không lo tăng năng suất; hoặc lo sản xuất lúa, nhưng kém chú ý đến hoa màu và cây công nghiệp; hoặc không ra sức cải tiến nông cụ, thêm nhiều phân bón.

- Có hợp tác xã thì học Đại Phong một cách máy móc như thấy Đại Phong nuôi vịt có lãi, thì hợp tác xã mình dù không có điều kiện cũng muốn nuôi vịt...

- Có hợp tác xã chưa đủ điều kiện, chuẩn bị chưa tốt, mà đã nóng vội muốn mở rộng quy mô quá to.

- Có hợp tác xã sản xuất khá, nhưng xem thường chăn nuôi, v.v..

Nói tóm lại: Thiếu sót ở chỗ chưa toàn diện.

Học Đại Phong phải học một cách sáng tạo, và cần phải học những ưu điểm sau đây:

- Củng cố hợp tác xã, chuẩn bị tốt điều kiện, rồi mới mở rộng thành quy mô to.

- Giáo dục cho mỗi xã viên thấm nhuần tinh thần làm chủ hợp tác xã; mỗi cán bộ có tinh thần chí công vô tư; chi bộ phải lãnh đạo chặt chẽ; đảng viên và đoàn viên thanh niên phải làm gương mẫu, làm đầu tàu trong mọi công việc.

- Cán bộ và xã viên đoàn kết chặt chẽ, đồng tâm nhất trí, phấn khởi thực hiện: Cần kiệm xây dựng hợp tác xã, kế hoạch sản xuất phải toàn diện.

- Các tỉnh ủy và huyện ủy cần lãnh đạo các hợp tác xã một cách chặt chẽ và toàn diện thì phong trào sẽ tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc, do đó kế hoạch sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

T.L.

--------------

- Báo Nhân Dân, số 2582, ngày 15-4-1961, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.113-114.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.