Hưởng ứng lời kêu gọi (19-1-1955) của Hội đồng Hòa bình thế giới, nhân dân các nước hăng hái ký tên chống bom nguyên tử. Có bà con hỏi:

- Liên Xô và Mỹ đều có bom nguyên tử, phải chăng cần chống cả hai?

- Chỉ ký tên, thì chống sao được bom nguyên tử?

C.B. xin trả lời tóm tắt như sau:

1. Sức nguyên tử cũng như con dao sắc. Con dao của thầy thuốc (Liên Xô) là để trị bệnh cứu người. Con dao của kẻ cướp (đế quốc Mỹ) là để giết người, cướp của. Vậy ta chống con dao nào? Liên Xô đã nhiều lần đề nghị cấm bom nguyên tử, nhưng phe Mỹ từ chối đây đẩy. Liên Xô dùng sức nguyên tử để phát triển kinh tế hòa bình, và đã có những nhà máy chạy bằng sức nguyên tử (thay cho điện). Vừa rồi, Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumani, Cộng hòa dân chủ Đức… được Liên Xô hứa giúp về khoa học và kỹ thuật để chế tạo sức nguyên tử dùng vào kinh tế hòa bình. Còn Mỹ thì chuyên làm bom nguyên tử để chuẩn bị chiến tranh. Vậy thì chúng ta phải chống ai?

2- Ký tên chống bom nguyên tử:

- Là tỏ rõ ý chí của mình chống đế quốc gây chiến.

- Là góp phần của mình vào việc ủng hộ hòa bình, phản đối chiến tranh.

- Là mình cùng với nhân dân toàn thế giới đồng thanh cảnh cáo, quở trách và quyết tâm ngăn cản phe đế quốc muốn dùng bom nguyên tử.

- Là mình cùng hàng trăm triệu người vạch rõ âm mưu đế quốc Mỹ hòng dùng người Âu đánh người Âu, dùng người Á đánh người Á, để chúng phát tài.

- Là mình cùng nhân dân toàn thế giới đồng tâm nhất trí.

Trước lực lượng đoàn kết to lớn ấy, thì đế quốc Mỹ tuy hung ác cũng phải kiêng sợ.

Vì vậy, các bộ đội, các đoàn thể công, nông, thanh, phụ, các trường học, các nhà máy, các công trường và các cơ quan của ta cần phải hưởng ứng phong trào lấy chữ ký một cách rộng khắp, sôi nổi và thiết thực.

C.B.

------

Báo Nhân Dân, số 370, ngày 7-3-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.