Phong trào thi đua ở các nhà thương đã có kết quả bước đầu. Tình trạng các nhà thương đã tiến bộ nhiều, khác hẳn với nhà thương trong thời kỳ đô hộ. Thí dụ:
Ở các nhà thương Chữa mắt, Phủ Doãn, Bạch Mai... (giám đốc, bác sĩ, nhân viên đều có tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm).
Thầy thuốc, y tá, cán bộ giúp việc khác, ai cũng thi đua chăm nom chu đáo cho người bệnh mau chóng lành mạnh. Mọi người đều cố gắng nâng cao trình độ chính trị, kỹ thuật và văn hóa, do đó mà nâng cao thêm năng suất công tác. Như nhà thương Phủ Doãn đã tổ chức phòng đọc sách báo, bốn lớp học chữ, hai đội đánh bóng, một ban kịch, một ban nhạc, v.v..
Nhà thương Bạch Mai tăng năng suất và tiết kiệm, kết quả khá: Trong tháng 4-1955, ban giặt quần áo đã tiết kiệm được 82 vạn 5.000 đồng, mà quần áo của người bệnh lại sạch sẽ hơn trước.
Nha thuốc đã tiết kiệm được 79 vạn 4.000 đồng trong việc dùng đèn, dùng giấy...
Công nhân làm ống nước, cột điện... đã tiết kiệm được 20 vạn đồng.
Trong 3 tháng, ban cơm nước tiết kiệm được 150 vạn đồng, mà cơm canh thì ngon lành hơn trước. Anh chị em lại nuôi được 30 con lợn để cải thiện thêm mức ăn uống cho người bệnh.
Văn phòng và các ban chuyên môn khác cũng cố gắng tiết kiệm.
Một điều nữa đáng khen, đáng quý là sự hy sinh đối với người bệnh, như bác sĩ Thìn đã không ngần ngại lấy máu mình tiêm cho người bệnh nặng.
Đối với nhân dân, cán bộ nhà thương là những chiến sĩ chống giặc bệnh tật. Với tinh thần đoàn kết chặt chẽ và thi đua bền bỉ giữa các nhà thương với nhau, chắc rằng các chiến sĩ y tế sẽ làm trọn nhiệm vụ một cách vẻ vang.
C.B.
------
- Báo Nhân Dân, số 465, ngày 11-6-1955, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.514-515.