Nhân dịp Hội Phụ nữ Quốc tế họp ở Giơnevơ để bàn các vấn đề phụ nữ và trẻ em, chúng ta nêu ra vài thành tích đấu tranh của phụ nữ nước ta, để chị em quốc tế rõ.

Trong thời kỳ kháng chiến, những đội nữ du kích, nữ cứu thương, nữ dân công - đã nêu gương rất anh dũng. Chúng ta có những bà mẹ, nuôi chiến sĩ rất tận tụy, những bà mẹ anh hùng vui vẻ hiến cả 6, 7 người con cho Tổ quốc.

Trong phong trào phát động giảm tô và cải cách ruộng đất, cán bộ phụ nữ và chị em nông dân đấu tranh rất hăng hái. Có nhiều nơi phụ nữ chiếm hơn nửa số hội viên Nông hội.

Công cuộc khôi phục kinh tế trong hoàn cảnh hòa bình, phụ nữ ở các nhà máy và các công trường đang góp một phần quan trọng, thí dụ:

Ở công trường xe lửa Hà Nội - Mục Nam Quan, những công việc trước kia người ta cho là “công việc của đàn ông”, như đục đá, đốt mìn, xẻ gỗ... nay chị em cũng làm thạo và tăng năng suất 50 - 60%.

Việc cấp dưỡng, mức định 1 người phục vụ 15 người (trong việc này cũng như nhiều việc khác, định mức quá thấp là do cán bộ không tin tưởng vào sáng kiến và năng lực của quần chúng), trung bình mỗi chị đã phục vụ 75 đến 100 người. Chị Kim Thị Cửu phục vụ đến 146 người, tức là 1 chị làm việc bằng 9 chị.

Ngoài giờ làm việc, các chị em còn thi đua học tập, khâu vá giúp cho anh em. Chỉ ở hai công trường số 3 và số 4, chị em đã khâu vá giúp 5.667 bộ áo quần.

Trong các đợt thi đua, 2.077 chị em đã được bầu làm chiến sĩ xuất sắc.

Công việc xây dựng còn nhiều, phụ nữ ta còn có nhiều dịp để tỏ năng lực của mình hơn nữa.

Hoan hô tinh thần cố gắng của phụ nữ lao động Việt Nam!

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 356, ngày 21-2-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.330-331.


Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.